Chính quyền Ả Rập Xê Út không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ những thông tin này và sự mập mờ về những đồn thổi trên không phải không có cơ sở. Thực chất, đấy là cú đòn gió mới của Ả Rập Xê Út nhằm vào Mỹ và các thành viên NATO khác lâu nay vốn là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Ả Rập Xê Út, trước hết là Mỹ, Anh và Đức.
Không quân Ả Rập Xê Út hiện có các loại tiêm kích F-15 của Mỹ và Eurofighter Typhoon do Anh thiết kế và được Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha hợp tác sản xuất. Cho tới nay, loại Rafale của Pháp tuy cũng rất hiện đại nhưng không được Ả Rập Xê Út để ý tới. Chuyển sang mua máy bay Rafale của Pháp có nghĩa Ả Rập Xê Út thực hiện sự điều chỉnh rất cơ bản chính sách và quan hệ quân sự, quốc phòng với Mỹ, Anh và Đức. Ba nước này mất đi một "khách sộp" ở vùng Vịnh, trong khi Ả Rập Xê Út tốn kém thêm rất nhiều bởi còn phải chi tiêu cho việc đào tạo và huấn luyện phi công, bảo trì và sửa chữa thiết bị mới.
Rõ ràng vương triều này đã bắt đầu suy tính tới việc giảm mức độ lệ thuộc vào cung ứng vũ khí của Mỹ, Anh và Đức để không bị các đối tác này tác động, cũng như để có thể hoàn toàn tự chủ trong chuyện xử lý quan hệ với Israel. Đấy còn là dấu hiệu rõ ràng về việc Ả Rập Xê Út bắt đầu không còn hoàn toàn tin cậy Mỹ, Anh và Đức trong quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh. Tâm trạng này của Ả Rập Xê Út cũng là tâm trạng chung của nhiều đồng minh khác nữa của NATO ở vùng Vịnh. Cú đòn gió về tạo sự lựa chọn thay thế đối tác của Ả Rập Xê Út vì thế còn có hiệu ứng thực tế không nhỏ ở khu vực lớn.
Bình luận (0)