Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu dệt may ghi nhận tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Điển hình như trường hợp Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công.
Hiện, công ty đã nhận đơn hàng gần đủ cho quý 3/2024, đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng. Doanh nghiệp kỳ vọng quý 2/2024, kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Quý cuối năm, dự kiến đơn hàng còn dồi dào hơn bởi đây là cao điểm sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường mùa lễ, tết.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, cho biết đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 2/2024 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10 - 15%. Dù đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ, song phân khúc sản phẩm đa dạng cũng giúp doanh nghiệp sản xuất "dễ thở" hơn.
Chia sẻ mới đây về tình hình xuất khẩu dệt may khởi sắc, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phân tích nguyên nhân chủ yếu bởi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Cạnh đó, các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi...
Bà Mai nhận định, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ có chiều hướng phục hồi, khởi sắc tốt hơn nếu thời gian tới tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn, cũng như không có thêm các cuộc xung đột địa chính trị.
"3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,3 tỉ USD. Mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỉ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay hoàn toàn khả thi", bà Mai nhấn mạnh.
Dù đơn hàng dệt may đã phục hồi, song theo bà Mai, toàn ngành dệt may cũng đối mặt không ít thách thức khi đơn giá gia công còn rất thấp; đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam còn nhắc tới khía cạnh phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường.
Thách thức nổi cộm khác là quá trình chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh. Nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu, theo bà Mai, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh.
Điều này giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)