Đơn hàng tràn trề, xuất khẩu dệt may 'nhắm' 48 tỉ USD năm tới

19/11/2024 14:08 GMT+7

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng quý 2/2025.

Xuất siêu 19 tỉ USD

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Đơn hàng tràn trề, xuất khẩu dệt may 'nhắm' 48 tỉ USD năm tới- Ảnh 1.

Toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỉ USD trong năm 2025

ẢNH: ĐAN THANH

Theo số liệu được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố ngày 19.11 tại Hà Nội: kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm nay ước đạt 44 tỉ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỉ USD, tăng 14,79%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 19 tỉ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỉ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỉ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỉ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỉ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỉ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỉ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu dệt may thu về kết quả khá khả quan trong năm xuất phát từ việc tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc.

Cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thích ứng khá tốt với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. 10 tháng qua, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành dệt may, có 10 doanh nghiệp Việt và 20 doanh nghiệp FDI. Cộng đồng doanh nghiệp đã bước sang giai đoạn thích ứng khá tốt với yêu cầu thị trường.

"Đơn hàng đàm phán rồi nhưng chuyện gì xảy ra chưa nói trước được"

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về vấn đề đơn hàng xuất khẩu trong năm tới, ông Giang cho biết, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025.

Đơn hàng không phải là vấn đề đáng quan ngại lắm trong năm tới, song đơn giá khẳng định không tăng so với năm 2024.

Ông Giang lưu ý, cách mua hàng của các đối tác thay đổi rất nhanh, hôm nay có thể đơn hàng đã đàm phán nhưng sau đó do sức tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng trên thị trường thế giới chững lại trong khoảng 1 - 2 tuần, họ sẵn sàng báo tạm dừng đơn hàng đã đặt mà chưa sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may đã và đang đứng trước những thách thức về tính ổn định của đơn hàng. "Đơn hàng đàm phán rồi nhưng chuyện gì xảy ra thì chưa nói trước được", ông Giang nói.

Theo ông Giang, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không còn cơ hội để lựa chọn đơn hàng với số lượng lớn. 2 năm qua, doanh nghiệp phải chấp nhận sản xuất đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

"Có nhãn hàng nổi tiếng thế giới đang bán hàng ở thị trường Việt Nam, khi họ đặt hàng doanh nghiệp dệt may phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng. Nếu người tiêu dùng phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, họ ra cửa hàng trả hàng, nhãn hàng sẽ phản hồi lại doanh nghiệp. Nếu việc trả hàng vượt tỷ lệ cho phép thì nhãn hàng sẽ dừng việc đặt hàng với doanh nghiệp.

Chúng ta tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chịu trách nhiệm cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, áp lực rất lớn", ông Giang nhấn mạnh.

Ở góc độ khắc phục vấn đề giá không tăng, theo ông Giang, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, giải pháp công nghệ là yếu tố tác động rất mạnh. Các nhãn hàng cũng tham gia vào thúc đẩy các giải pháp công nghệ với doanh nghiệp để xử lý các tình huống, góp phần tăng năng suất lao động.

Nhìn chung, ông Giang nhận định trong năm 2025 vẫn có nhiều yếu tố tích cực cho dệt may Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra là khoảng 47 - 48 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.