Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam

Nguyên Nga
Nguyên Nga
23/06/2023 06:24 GMT+7

Những năm gần đây, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại...

  • Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam
  •  Hàn Quốc - Việt Nam khởi động chương mới trong quan hệ hợp tác song phương

Khởi đầu làn sóng dịch chuyển sang Việt Nam ?

Trong 3 ngày (22 - 24.6), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân có chuyến thăm cấp nhà nước tại Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đáng lưu ý, tháp tùng Thủ tướng Hàn Quốc là đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin và dịch vụ. Trong đó, có chủ tịch, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte, Hyosung, Hanwha, Hanjin…

Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 1.

Samsung sẽ sản xuất đại trà lưới bóng chíp bán dẫn tại Việt Nam

Samsung

Đại sứ Hàn Quốc Oh Young Ju tại Việt Nam cho biết đây là đoàn doanh nghiệp đông nhất trong các chuyến thăm nước ngoài gần đây của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Điều này cho thấy quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại của hai nước Hàn Quốc - Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, ấn tượng.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, bày tỏ ấn tượng với con số hơn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam dịp này. Ông nói: Điều ấn tượng nhất là phái đoàn doanh nghiệp Hàn đến Việt Nam rất đông, bao trùm các lĩnh vực cốt lõi của Hàn Quốc, nói đúng hơn là có thế mạnh của đất nước này. Hồi tháng 3, có 50 doanh nghiệp lớn từ Mỹ đến Việt Nam nhằm thảo luận vấn đề đầu tư, hợp tác kinh doanh. Kết quả là cuối tháng 5 vừa qua, đã có "đại bàng" về làm tổ tại Việt Nam. Apple mở cửa hàng trực tuyến bán cho khách hàng Việt Nam, Boeing khẳng định sẽ đầu tư chuỗi cung ứng phụ tùng, hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải…

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 23.6: Kỳ vọng làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc | Trung Quốc bơm 72 tỉ USD cho tham vọng xe điện

"Tất nhiên không phải chuyến đi tháng 3 được thực hiện mà tháng 5 có hiệu quả. Nhưng chính nhờ những chuyến đi của các nhà đầu tư, cho dù là chuyến đi ngoại giao, tại những sự kiện quan trọng này là tiền đề, tạo cú huých hiệu quả cho làn sóng đầu tư sau này. Hơn nữa, từ lâu, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. Thế nên, có thể nói đây là chuyến đi quan trọng, khởi đầu cho một làn sóng dịch chuyển đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam nếu Việt Nam thể hiện được sự cần thiết phải đẩy mạnh thu hút đầu tư và các nguồn lực khác từ Hàn Quốc", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 2.

Sản xuất xe hơi Hyundai (Hàn Quốc) tại Việt Nam

Bá Hùng

Vốn FDI tăng hơn 20 lần sau 10 năm

So với cách đây 10 năm, năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỉ USD, nay đã vọt trên 80 tỉ USD, tăng gấp 21 lần. Cuối năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, chính thức mở ra chương mới trong quan hệ song phương.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thành công ở Việt Nam

Đây là cuộc gặp mang tính win-win (đôi bên cùng có lợi). Nhà đầu tư cần tìm thị trường mới, mở rộng cơ hội tại quốc gia Đông Nam Á đang có những cải cách đáng ghi nhận; Việt Nam lại đang coi trọng đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn… mà Hàn Quốc có thế mạnh. Xét về góc độ thu hút lợi thế của nhau, những cuộc đàm phán, trao đổi thực tế, cởi mở là rất cần thiết. Lợi thế của đôi bên là đã có những nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc "cắm rễ lâu năm" bằng động thái liên tục mở rộng đầu tư và đang thành công lớn tại Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Nhiều doanh nghiệp tài chính muốn đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam

Các doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Yoon cũng như các cuộc hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam sẽ mở ra những hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của hai nước cũng sẽ ký kết những dự án lớn về năng lượng, đầu tư khu công nghiệp, khu dân cư... Nhiều doanh nghiệp về tài chính Hàn Quốc cũng đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam với các dự án hàng tỉ USD.Ông Hong Sun

(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - Korcham)

Chi tiết chuyến thăm chưa được tiết lộ, nhưng theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, trong 3 ngày này, phái đoàn dự kiến sẽ ký một số biên bản ghi nhớ hợp tác. Các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo hợp tác chuỗi cung ứng và mở rộng xuất khẩu. Trong thực tế, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc kể trên đều đã có nhà máy hoặc hợp tác đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn vẫn đang có kế hoạch mở rộng. Trong đó, Samsung không chỉ là nhà đầu tư của Hàn Quốc lớn nhất mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Cuối năm 2022, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam và Samsung Electronics đạt kim ngạch xuất khẩu 65 tỉ USD tại Việt Nam, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hơn 60% điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu được sản xuất lắp ráp tại các nhà máy của tập đoàn này ở Việt Nam. Doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó có 2 tỉ USD đã đầu tư vào các dự án ở Thái Nguyên và TP.HCM. Dự kiến cuối năm nay, Samsung sẽ sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên.

Tương tự, Tập đoàn LG cũng có kế hoạch rót thêm 5 tỉ USD vào Việt Nam trong thời gian tới; Tập đoàn Lotte đang trong giai đoạn hoàn thiện Lotte Mall Hà Nội và xây dựng Khu phức hợp thông minh - Lotte Eco Smart Thủ Thiêm; SK vẫn đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại 2 tập đoàn lớn của Việt Nam là Masan và Vingroup; Hyundai Motor khánh thành thêm nhà máy Hyundai Thành Công số 2 ở Ninh Bình vào cuối năm qua…

Mới đây, ngày 12.6, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Hải Phòng - Hàn Quốc năm 2023, được tổ chức tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), lãnh đạo TP.Hải Phòng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với số vốn đầu tư đạt 230 triệu USD cho các dự án Bumhan Vina Heavy Industries - Nam Đình Vũ, Công ty TNHH Haewon Vina, Công ty TNHH Hala Electronics Vina, Công ty TNHH EST Vina HaiPhong, đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỉ USD.

Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 4.

Việt Nam đang là "hấp lực" với doanh nghiệp Hàn

Có thể nói, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và ổn định qua các năm. Năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu và tác động từ các cuộc xung đột địa chính trên thế giới, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là đối tác có các quyết định đầu tư mới và tăng cường mở rộng. Đặc biệt, trong khi một số nhà đầu tư nước ngoài "co" lại, thì các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc vẫn tăng tốc mở rộng và xin cấp giấy phép mới tại Việt Nam. Cụ thể, nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét với một phái đoàn doanh nghiệp Hàn có quy mô lớn hơn 200 vị đến Việt Nam kỳ này cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam đang có những yếu tố hấp lực nhà đầu tư rất lớn. Đáng lưu ý, là trong phái đoàn này, có rất nhiều nhà đầu tư chất lượng cao.


Chuyến thăm nêu bật quan hệ kinh tế với Việt Nam

Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 6.

Bài viết trên báo The Korea Times đăng ngày 22.6 về chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol đến Việt Nam

Chụp màn hình The Korea Times

Đài truyền hình KBS, mạng truyền hình Arirang TV, Hãng tin Yonhap và một số tờ báo lớn của Hàn Quốc như The Korea Times và The Korea Herald hôm qua đồng loạt đưa tin, đăng bài về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Trong đó, KBS dẫn thông báo từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon, hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp mở rộng và phát triển quan hệ song phương vốn đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Yonhap cũng dẫn thông báo từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay chuyến thăm của Tổng thống Yoon sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, với một số sự kiện kinh tế khác nhau đã được lên kế hoạch, bao gồm hội chợ đối tác song phương, tiệc trưa với các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam và một diễn đàn kinh doanh.

Một ngày trước khi Tổng thống Yoon đến Việt Nam, tờ Korea JoongAng Daily đã đăng một bài viết bằng tiếng Anh với tựa đề Yoon's visit highlights economic ties with Vietnam (tạm dịch: Chuyến thăm của ông Yoon nêu bật mối quan hệ kinh tế với Việt Nam). Bài viết nhấn mạnh Hàn Quốc và Việt Nam đã nâng mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái và mối quan hệ này có thể sẽ sâu sắc hơn khi hai bên trong tháng trước đạt được thỏa thuận về việc tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

"Mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong 3 thập niên qua. Chúng tôi dự đoán kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng gấp đôi lên 150 tỉ USD vào năm 2030", Korea JoongAng Daily dẫn lời ông Kim Bong-man, Trưởng ban Các vấn đề quốc tế tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI).

Văn Khoa


"FDI luôn là kênh vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, Việt Nam cần tranh thủ thu hút nguồn vốn chất lượng cao qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi quan trọng như này. Những nhà đầu tư có dự án tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính… cần được xem xét một cách có thiện chí", ông Thành nói và đề nghị trong mời gọi đầu tư, cần chú ý những dự án có chuyển giao công nghệ, tay nghề, kỹ năng cho phía doanh nghiệp nội địa. Nguồn vốn chất lượng là quan trọng, quan trọng hơn có những quy định về chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt phải có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đón làn sóng mới đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 8.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhận định: "Chuyến đi này cũng có thể coi như chuyến thăm dò quan trọng về chính sách của Việt Nam khi chuẩn bị thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% vào năm 2024. Nếu áp dụng nguyên tắc không hồi tố thì những ưu đãi lớn vẫn có thể triển khai. Việt Nam phải chứng tỏ cho nhà đầu tư biết, thu hút FDI của Việt Nam nay không còn là câu chuyện miễn giảm thuế nữa, chúng ta có rất nhiều lợi thế khác mà nhà đầu tư cần quan tâm. Ngoài ra, quan sát cho thấy, phái đoàn có rất nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao. Có thể doanh nghiệp đến từ xứ sở kim chi đang muốn dịch chuyển và mở rộng mạng lưới kinh doanh dịch vụ tài chính, y tế… tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thể lấy Việt Nam như "hub"? Nếu Việt Nam có chính sách đón đầu phù hợp, thu hút có hiệu quả, vốn FDI từ Hàn Quốc trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới". T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.