Đón năm mới giữa rừng Pù Luông

31/12/2011 15:07 GMT+7

Đã bao lần đón năm mới xa nhà, khi lang bạt trên các cung đường Tây Bắc bạt ngàn hoa đào, hoa mận trong giá lạnh tê tái, lúc rong ruổi cùng nắng gió hào sảng của đất miền Trung…, nhưng cái Tết dương lịch đáng nhớ nhất với chúng tôi là ở Pù Luông – với hai chiếc bánh chưng, một nồi cơm nửa sống nửa chín và một soong… thịt chó trong căn lều canh sắn chơ vơ giữa rừng hoang cùng những con người hồn hậu, thân thiện.

Đã bao lần đón năm mới xa nhà, khi lang bạt trên các cung đường Tây Bắc bạt ngàn hoa đào, hoa mận trong giá lạnh tê tái, lúc rong ruổi cùng nắng gió hào sảng của đất miền Trung…, nhưng cái Tết dương lịch đáng nhớ nhất với chúng tôi là ở Pù Luông – với hai chiếc bánh chưng, một nồi cơm nửa sống nửa chín và một soong… thịt chó trong căn lều canh sắn chơ vơ giữa rừng hoang cùng những con người hồn hậu, thân thiện.

Tết dương lịch năm ấy, chúng tôi chọn Pù Luông – khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa – để trốn khỏi phố phường ồn ào, “mở hàng” cho hành trình phiêu du năm mới. Bỏ túi hai chiếc bánh chưng để “mở tiệc” tất niên, cả lũ hơn chục chiếc xe máy hăm hở lên đường vào ngày cuối cùng của năm cũ.

Sáng đầu tiên tới Mai Châu êm ả, nhẹ nhàng và một bữa trưa ngon miệng cùng cơm lam, gà đồi, xôi nếp nương thơm lừng cùng vò rượu cần sóng sánh giữa bản Lác khiến chúng tôi càng thêm phấn chấn. Cho tới khi rẽ vào đường 15C – con đường gập ghềnh nổi tiếng khó đi xuyên ngang khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, những bánh xe quay đều vẫn còn hăm hở lắm. Những tia nắng lọt qua tán luồng xanh rậm rì nhảy nhót trên mặt đường, còn chúng tôi nhảy nhót trên yên xe qua đoạn đường lổn nhổn đá dăm lẫn đá hộc.

Thử thách đầu tiên là suối Pưng. Vào mùa khô, lòng suối cạn đầy đá cuội to hơn nắm tay cũng chẳng là gì với những kẻ đang háo hức. Đường ngày càng khó đi hơn, dốc cao, trơn trượt, đầy bùn đất cũng không làm những kẻ “say” đường bận tâm. Tất cả còn đang mê mải với cảnh rừng hùng vĩ mở ra trước mắt với bãi cỏ xanh mướt như trên thảo nguyên, những nếp nhà sàn tỏa khói yên bình và con đường mòn ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng núi.

Cứ vẩn vơ với mây gió, núi rừng, chợt mọi người đều giật mình bởi nhận ra mình đã lọt vào một bãi bùn nhão hằn sâu hai vệt bánh xe tải như hai luống cày kéo dài bất tận. Đã là gần 4 rưỡi chiều. Rừng hoang hiu quạnh, không một nóc nhà. “Ác mộng” Pù Luông bắt đầu. Những bước chân bị bùn nhão dính chặt. Những chiếc xe máy đã trở thành những khối sắt nặng ngàn cân, đứng thẳng chẳng cần chân trống giữa bãi bùn ngập gần hết bánh xe. Mệt mỏi, rét mướt, lo sợ, trong đầu chúng tôi lởn vởn hiện lên một đêm tất niên nhịn đói giữa rừng hoang tê tái lạnh với ánh đèn pha xe máy, đèn pin thay ánh nến lung linh.

Giữa bóng đêm hoang mang ấy, bỗng thấy ánh đèn le lói, chập chờn phía xa, chỉ nhỏ xíu như con đom đóm, nhưng ấm áp và rực rỡ hơn cả pháo hoa đêm giao thừa. Lại còng lưng bì bõm đẩy xe giữa bãi bùn nhão nhoét. Rồi chúng tôi tròn mắt khi thấy “thiên đường” của mình hiện ra - một căn nhà sàn trống hơ hoác, vách nứa thủng lỗ chỗ gió thổi hun hút bốn bề, mà sáng hôm sau chúng tôi mới biết đó là một cái lều canh sắn. Chàng thanh niên chủ nhà tên Sáng thì tròn mắt trước đám “ma bùn” không hiểu từ đâu chui ra giữa rừng với lỉnh kỉnh máy ảnh, balô. Sáng còn kinh ngạc hơn nữa khi “những người thành phố” chen chúc bên bếp lửa leo lét trong căn lều tuềnh toàng mà hỉ hả như thể đang được ở trong lâu đài.

Chàng thanh niên trẻ ấy cứ ái ngại vì cái lâu đài giữa rừng ấy chỉ có một lu nước nhỏ chẳng đủ cho mọi người rửa sạch đôi chân dính đầy bùn đất, cũng chỉ có những cái chăn đơn dùng để trùm sắn bết đất mà lũ chúng tôi tranh nhau co kéo và vài ba cái bát sứt mẻ, dăm đôi đũa bên bếp lửa nhỏ xíu khiến mọi người đều phải ăn bốc. Nhưng mặc kệ, chúng tôi vẫn “mở tiệc” tất niên với hai cái bánh chưng mang theo từ nhà, một nồi cơm nửa sống nửa chín và một soong... thịt chó vừa được Sáng đi kiếm gần một tiếng đồng hồ mới mang về được đã bị chúng tôi xào cháy sém chỉ trong vài phút. Bữa tiệc tất niên ấy cứ kéo dài suốt đêm bên bếp lửa hồng bập bùng với những câu chuyện rôm rả bất tận, những tràng cười vang cả núi rừng.

Sáng sớm, Sáng cùng vài người bạn chặt cây lót đường cho chúng tôi đẩy xe qua cái “đầm lầy” dài đến gần trăm mét ngay trước cửa lều. Không chỉ có Sáng, hình như cả bản nhỏ cách đó gần năm cây số cũng biết sự có mặt của chúng tôi, chẳng biết bằng cách nào, không có điện thoại, không sóng di động, không loa phát thanh. Suốt dọc con đường đất đi ngang chừng chục nóc nhà sàn lợp lá đơn sơ, những đứa trẻ má đỏ hồng vì nẻ tíu tít chạy theo xe chúng tôi, những bà cụ nheo nheo mắt cười trìu mến, những chàng thanh niên vẫy tay chào vui vẻ. Bữa tiệc đón năm mới trong căn lều canh sắn với Sáng và ánh mắt, nụ cười của những con người hồn hậu ở miền rừng heo hút, nghèo khó ấy đã theo suốt chúng tôi trong những ngày đầu năm mới tê tái lạnh ngoài trời, nhưng ấm áp trong lòng giữa đại ngàn Pù Luông.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.