Bệnh chổi rồng do nhện lông nhung lây truyền. Loài nhện này thường nằm ẩn kín trong những chòm lá nhiều tầng, khó phun thuốc diệt trừ. Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhện lông nhung trưởng thành khếch đại lên 1.000 lần mới nhìn thấy được. Nhện phát sinh quanh năm trên cây nhãn. Chúng gây hại nặng ở vườn rậm rạp, trồng dày, tán cây đan xen nhau bị thiếu ánh sáng. Bệnh chổi rồng xuất hiện nơi chồi lá non và ngay cả trên hoa. Ở những vườn bệnh nặng có đến 95% số cây bị nhiễm, năng suất thiệt hại gần như hoàn toàn. Bệnh còn xuất hiện trên cây con, làm cho cây bị dị dạng, chồi mọc thành chùm, không phát triển…
|
Do bị dịch bệnh nên nhiều nhà vườn ở đây phải đốn nhãn làm củi, chuyển sang trồng rau màu, cam, quýt. Nông dân Huỳnh Thanh Thinh (ấp Phú Thạnh, xã Phú Hựu) vừa đốn hạ 70 gốc nhãn từ 10-15 tuổi để dọn đất tỉa bắp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, không phải ai cũng có điều kiện chuyển đổi như thế do không có tiền mướn nhân công đốn nhãn, dọn đất, mua giống cây mới trồng lại... Hơn nữa, nếu chuyển sang trồng cây khác thì phải 2-3 năm sau mới cho thu hoạch, trong khi cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn. “Đa phần nông dân trồng nhãn đều vay ngân hàng hoặc vay nóng bên ngoài. Nhãn bệnh không cho trái, nhà vườn không biết lấy đâu ra tiền mà trả nợ”, ông Trần Văn Tuấn, khuyến nông viên xã Phú Hựu, nói.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lê Thành Công cho biết, hiện có hơn 11.600 hộ dân ở huyện này ở bị mất thu nhập, hơn 23.800 lao động nông thôn bị mất việc làm. “Chúng tôi đã đề nghị tỉnh công bố dịch bệnh chổi rồng trên nhãn da bò và kiến nghị T.Ư có chính sách hỗ trợ nông dân. Chúng tôi cũng đã đề nghị các viện, trường, các nhà khoa học…giúp nông dân Châu Thành dập dịch và phòng trừ bệnh hiệu quả”, ông Công nói.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)