Nhiều năm qua, cộng đồng dân cư trên đảo Cù Lao Chàm được biết đến như một "cộng đồng sinh thái" trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đội dọn rác dưới đáy biển ra đời, với sự tham gia của các thành viên trong Đội tuần tra kiểm soát của Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm, doanh nghiệp du lịch và ngư dân hành nghề trên biển. Ngoại trừ vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng cấm), nhiệm vụ của họ là dọn rác ở những vùng biển như Bãi Bắc, Bãi Xếp, Bãi Tra, Hòn Dài… ưu tiên vùng có trải nghiệm du lịch, vùng phục hồi rạn san hô để giữ vững thương hiệu "đảo xanh huyền thoại".
VỚT RÁC VÌ NGÔI NHÀ CHUNG
Ở Cù Lao Chàm, người dân xem biển như là nhà, mà nhà thì phải… luôn sạch. Nên kể cả khi hành nghề đi lưới 3 lớp trên biển, bà Phạm Thị Lúa (52 tuổi, người dân thôn Bãi Ông, Cù Lao Chàm) và người thân có thói quen luôn vớt rác nếu bắt gặp. "Tôi luôn có sẵn dụng cụ, để khi đi làm trên biển nếu có rác thì vớt mang vào đảo xử lý luôn. Biển phải luôn sạch thì các hệ sinh thái mới đa dạng, nguồn lợi thủy sản mới dồi dào, phong phú. Biển sạch cũng giúp cho rạn san hô phát triển tốt, sinh thái biển và sinh vật biển không bị tổn thương", bà Lúa nói.
Sinh ra trên đảo, có sở trường bơi lặn, ông Trần Ngọc Vũ (50 tuổi, Công ty Lặn Sao Việt) khá am hiểu vùng biển quê mình và trở thành thành viên đi đầu, tích cực của đội dọn rác dưới đáy biển. Ông cũng khuyến khích nhân viên của mình tham gia hoạt động vì môi trường biển đảo. Tận dụng khả năng lặn biển, ông và đội dọn rác thường lặn ở độ sâu tầm 3 m quanh bờ để tìm rác.
Nhặt rác làm sạch đáy biển thôi chưa đủ, ông Vũ còn lồng ghép hoạt động nhặt rác khi du khách lặn ngắm san hô. Du khách tham gia các chuyến trải nghiệm tại Cù Lao Chàm cũng được ông vận động không mang túi ni lông, chai nhựa, ống hút nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần… ra đảo. "Là người dân sống dựa vào biển đảo, chúng tôi yêu đảo và vô cùng tự hào về hệ sinh thái Cù Lao Chàm và luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường", ông chia sẻ.
THẤY NGƯỢNG CẢ KHI CẦM TÚI NI LÔNG
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (29 tuổi), thành viên Đội tuần tra kiểm soát - Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm, cho biết các thành viên đội dọn rác dưới đáy biển được trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ như thuyền thúng, dụng cụ gắp rác, gắp sao biển gai, áo phao, vợt vớt rác, túi thu gom… Đội chia từng đợt đi lặn tìm rác ở khắp Bãi Bắc, Bãi Xếp, Bãi Nần, Bãi Tra… Chị cũng là một thành viên xông xáo của đội dọn rác. "Khi đi bắt sao biển gai, chúng tôi có đồ dùng chuyên dụng để xử lý đúng quy trình. Nếu gặp, chúng tôi sẽ hất chúng ra khỏi vùng rạn san hô để đưa vào giỏ, tránh chọc vào thân sao biển vì chúng sẽ tiết dịch và phân bào sinh sôi phát tán. Sau đó đào hố, xử lý tiêu hủy bằng a xít và vôi. Gặp rác thải, chúng tôi phân loại và xử lý theo nhóm như rác trên cạn", chị Thúy nói.
Cũng theo chị Thúy chia sẻ, các thành viên đội dọn rác cảm thấy nhận được sự động viên lớn khi lượng rác mang về cứ… giảm dần qua từng đợt. Tất cả do chính ý thức của người dân và du khách. Nhưng nỗi lo vẫn chưa vơi bớt, khi phần nhiều rác thải có "nguồn" từ các hoạt động hàng hải, khai thác hải sản trên biển tấp vào bờ hay từ hạ lưu sông Thu Bồn đổ ra…
Ông Trần Hoàn (70 tuổi, ở thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm), thành viên đi đầu trong công tác bảo tồn biển, cho hay điều ông hài lòng nhất là tuyên truyền được đến bà con ý thức gìn giữ môi trường biển. "Giờ thì không một người dân nào trên đảo cầm nhành san hô đi lại khơi khơi như ngày xưa. Họ cầm cái túi ni lông đi ngoài đường thôi cũng đã thấy ngượng. Ý thức này không dễ nơi nào có được đâu", ông Hoàn tự hào.
Bình luận (0)