Không khí vui tươi, đầm ấm ngày tết, con cháu sum họp là niềm vui nhưng cũng dễ làm đảo lộn bữa ăn thường nhật của người cao tuổi trong gia đình. Một số cụ có thể ăn uống nhiều hơn so với ngày thường, một số cụ lại “mất bữa” do con cháu bận du xuân, chúc tết...
Những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người cao tuổi trong những dịp vui này.
Khi “gió heo may đã về”
Tuổi già đến cùng sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể ngày càng cao, kéo theo sự suy giảm sức khỏe ở người cao tuổi. Những biến đổi ở hệ tim mạch (đặc biệt là xơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng ở người cao tuổi như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim... Một vấn đề sức khỏe không kém quan trọng ở người cao tuổi là sự suy giảm trí nhớ. Chưa kể những người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... quá trình lão hóa hệ thần kinh sẽ xảy ra sớm hơn, nhanh hơn và mạnh hơn.
Còn về chuyện ăn uống, khi bước vào độ tuổi ngoài 50, khả năng nhận biết cảm giác khát của não kém hiệu quả, khả năng tiêu hóa của cơ thể bắt đầu suy giảm: hàm răng yếu, nhai cắn thức ăn khó khăn; mũi kém nhạy; tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt khiến người cao tuổi cảm thấy nuốt khó hơn, ăn không ngon miệng. Chưa kể dịch vị giảm, lượng men tiêu hóa ít gây khó tiêu, nhu động ruột giảm dễ gây táo bón... ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng.
Dù biết quá trình lão hóa của cơ thể là tất yếu nhưng việc tăng lưu lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho não sẽ giúp làm giảm sự lão hóa. Thế nên một chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp với luyện tập hợp lý rất cần thiết.
Ăn sao cho khỏe?
Về dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%, ở người trên 70 tuổi giảm 30% so với người 25 tuổi. Do vậy người già nên ăn ít hơn và cần ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết chất cholesterol thừa, đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín cũng cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin, chất khoáng và chất chống lão hóa.
Trong những ngày vui tết, nếu ăn không hợp lý như ăn no quá, nhiều chất béo, nhiều bánh kẹo, thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thêm vào đó lại uống rượu, bia quá mức thì không những không đưa lại dinh dưỡng cho cơ thể, mà còn gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, đặc biệt ở những người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, đường ruột...
Những nguyên tắc cơ bản đối với người cao tuổi là ăn bảo đảm đủ chất đạm (protein) để tạo nên cơ bắp và giúp cơ thể phục hồi sau bệnh tật (hạn chế ăn thịt, nhất là thịt đỏ mà nên tăng ăn cá, uống thêm sữa). Bữa ăn còn cần đủ năng lượng, chất bột đường (glucid), chất béo (lipid) và các vitamin, chất khoáng. Thức ăn nên chế biến mềm, dễ nhai và dễ tiêu. Nên ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được nghiền nát và thấm đều nước bọt giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Người cao tuổi thường hay quên và có thể mất cảm giác khát. Cho nên cần tạo thành thói quen uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, hạn chế uống nước ngọt, rượu bia. Vì thế bổ sung 1-2 ly sữa hằng ngày không chỉ giúp dinh dưỡng cân đối và đầy đủ cho người cao tuổi mà còn cung cấp một lượng nước đáng kể.
Và khi tết đến xuân về, ngoài quan tâm dinh dưỡng dành cho người cao tuổi cần chú ý thêm giá trị tinh thần, người cao tuổi dù dễ giận dễ hờn “vu vơ” nhưng họ khao khát và mong muốn được sum vầy cùng con cháu, được con cháu quan tâm, chăm sóc và những lời chúc như “lộc” cho giá trị tinh thần đầu xuân.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)