Đón tết 'mình ên' đầu tiên ở Sài Gòn, tự nhiên thấy thương mẹ tới lạ

06/04/2021 13:38 GMT+7

Đã hơn một tháng kể từ ngày tôi đón cái tết 'mình ên' đầu tiên ở Sài Gòn. Cuộc sống tiếp tục chuyển động và đường phố đông đúc trở lại.

Nhưng thú thật, sự trống trải khi nghĩ tới mẹ già, đám gà, mớ rau ngoài ruộng, hay bàn thờ đầy khói của ba, vẫn làm tôi đánh đổ cả chậu tiếc nuối chua lét. Giá mà Covid-19 chẳng xảy ra. Bởi cứ nhớ lại những ngày tháng “ăn tết bất động” vừa qua, tự nhiên thấy thương mẹ tới lạ…

Mẹ gửi tết vào cho con

Chuyện là tháng Chạp, tôi phải đập con lợn đất đã để dành một năm mới mua được “giấy thông hành” chặng đường về với mẹ. Háo hức chờ đợi lắm. Thế nên lúc nhận tin Sài Gòn có dịch cận tết, tấm vé máy bay trong tay tôi chợt nhàu nhĩ vài đường...
“Ổn không con?” - Mẹ hỏi thế vào đêm 28 tết. Không nhắc gì tới bản thân bà, thứ mẹ quan tâm trước tiên là liệu tôi có bình an, hạnh phúc. Miệng tôi chợt đắng nghét, chẳng biết trả lời từ đâu.
Mở tủ lạnh, vài thứ rau củ tràn ra đầy ắp. Chắc đây là năm đầu tiên mà tủ lạnh của tôi không rỗng ruột ngày tết. Tôi gom nó trĩu trịch vào đêm 27 muộn, sau khi tình hình dịch ngày càng phức tạp trong thành phố. Tôi mua trong tâm thế lưỡng lự giữa đi và ở, giữa trả vé hay là bất chấp bay về. Cuối cùng vẫn là mẹ nhỏ giọng khuyên “ở lại đi…, mẹ lo” thì sợi dây lí trí mới thắng được trái tim đang vần vò nhớ quê, nhớ tết.

Đồng hành cùng cuộc thi Vượt qua Covid-19

Năm đầu đón tết xứ người, tôi ngẩn ngơ nhìn phố xá Sài Gòn trống trơn và trơ trọi. Cung đường Phạm Văn Đồng vốn tấp nập hàng quán nay cũng im lìm như một chú gấu ngủ đông. Vốn đã cô đơn, nay cảnh tượng vắng vẻ nơi đây càng làm tim tôi trĩu nặng. Giờ này nếu ở quê, chắc tôi và mẹ đang hí hoáy chùi rửa bộ lư đồng trên bàn thờ ba. Thật sự nhớ thương quá đỗi.
Sáng 29, điện thoại nhấp nháy cuộc gọi từ mẹ. Tôi mơ màng bắt máy, nghe giọng mẹ hồ hởi: “Ra bến xe đi, mẹ gửi thùng đồ ăn vào cho bây đón tết. Mẹ sợ bây tiếc tiền, không chịu mua đầy đủ. tết rồi, ai bán cho bây ăn”. Tôi tỉnh hẳn, ngồi ngây ra như phỗng.
Bến xe không đông như mọi năm, nhưng đằng sau tấm khẩu trang chắc hẳn đều là khuôn mặt hân hoan khi sắp về nhà đón Tết. Tôi ôm thùng xốp có viết tên mình, dòng chữ hơi nguệch ngoạc của mẹ làm tim tôi chợt ấm. Một mình bà ở nhà, cộng thêm đau chân, chắc là lụi cụi một đêm mới sắp xong mớ quà mà gửi.

Thùng xốp toàn những đồ ăn tự tay mẹ xếp, chẳng có gì cao sang nhưng lại gói trọn cái tết quý giá gửi vào cho đứa con gái út

THANH TRÚC

Nghĩ tới hình ảnh đó là mắt tôi lại nhòe đi. Tôi dừng xe bên đường, loay hoay chùi vội khóe mắt. Thùng hàng được tôi cột sau ghế, đột nhiên trở thành điểm tựa khiến tôi yên lòng và bình tĩnh. Chắc là vì, nó có mùi của mẹ!

Mẹ trở thành bà tiên mang tết đến

Khệ nệ khiêng thùng xốp về tới phòng trọ, tôi hồi hộp mở ra. Trứng gà, trứng vịt mẹ nuôi, mấy quả ớt mẹ trồng, mớ lá giang mẹ hái cạnh bìa núi, nải chuối sau vườn, vài cây chả lụa mẹ tự xay không có hàng the hay hóa chất…
Tất cả những thứ đặc trưng trong ngày tết ở nhà mang tới cho tôi hương vị của quê hương, của cái tết xa nhưng cực kỳ gần gũi. Tôi nâng niu chúng mãi, rồi nhoẻn miệng nở nụ cười đầu tiên trong ngày: Tết năm nay, là tết mẹ gửi. Dịch bệnh khiến tôi phải ở yên một chỗ, và mẹ trở thành bà tiên mang tết đến cho tôi. Có lẽ tết này chẳng thể đoàn viên, nhưng trái tim của mẹ con tôi chưa bao giờ xích lại gần nhau đến thế.
Tôi gọi cho cậu bốn, nhờ cậu đến nhà chơi với mẹ cho bà đỡ quạnh quẽ. Cậu ậm ừ, rồi chợt gọi video cho tôi. Tôi nghi hoặc bắt máy, thấy bóng lưng mẹ gầy cong đập vào đáy mắt mình nóng bỏng. Cậu chụp cho tôi đóa vạn thọ mẹ chăm bẵm, cậu bảo lát nữa mẹ sẽ cắt chúng vào cắm lên bàn thờ của ba. Cậu khoe cây mai ngày còn sống ba tôi trồng, năm nay nở hoa trĩu cành vàng ươm như nắng. Cậu nói bây cứ yên tâm, hết dịch rồi về. Tôi ngắt ngứ nói tiếng cảm ơn bằng cái giọng nghẹt đặc, lòng thầm mong ngày bình yên sẽ sớm đến.

Những món quà quê được mẹ gói trong những bịch nhỏ, nhưng tình cảm trong đó thì lớn lao vô cùng

THANH TRÚC

Đêm 30, trong tiếng đì đùng bắn pháo hoa của nhà hàng xóm, tôi gọi về nhà. Mẹ lấy nụ cười che đi sự cô đơn trong giọng nói, giả vờ kể chuyện ông tám, bà năm, những chuyện vụn vặt thường nhật để ngăn mình không bật ra câu nói nhớ con trong cái đêm đất trời chuyển mình mạnh mẽ. Tôi hiểu ý, cũng đáp lại bằng những lời kể xuôi tai, nào là ông bà chủ trọ cho con một miếng dưa hấu lớn, hay là nhà bên cạnh tối nay mở nhạc xuân rôm rả khắp cả phố phường...
Trong tiếng đếm ngược chúc mừng truyền ra từ máy ti vi của nhà chủ, tôi đã khẽ khàng nói vào điện thoại: Mẹ ơi, tết năm sau con sẽ về…
Hôm nay, nhìn số ca bệnh giảm dần, tôi nhủ thầm: Với những chủ trương kịp thời và tinh thần quyết thắng đại dịch Covid-19 của cả nước, tôi tin điều ước đêm giao thừa của mình nhất định sẽ trở thành hiện thực!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.