Dự kiến hôm nay 8.2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu chuyến công du 5 ngày đến Nhật Bản. Theo tờ The Japan Times, trong chuyến công du lần này, hai bên sẽ ký 7 thỏa thuận quan trọng về quốc phòng, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông.
Bước ngoặt hợp tác quân sự Philippines - Nhật
Đặc biệt, Tokyo và Manila hướng đến hiệp ước quốc phòng toàn diện để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận chung về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Động thái này được các chuyên gia nhận định có thể mở đường cho thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA). Tháng 4.2022, Tokyo và Manila đã đồng ý xem xét các khuôn khổ để ký kết cả RAA và thỏa thuận Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA). Hai thỏa thuận này giúp lực lượng quân sự dễ dàng tiếp cận cơ sở của nhau, tập trận chung và chia sẻ hoạt động hậu cần.
Trả lời Thanh Niên hôm qua 7.2, TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines) nhận định: "Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. tới Nhật được coi là chuyến thăm then chốt trong bối cảnh căng thẳng tại chuỗi đảo thứ nhất có cả Nhật Bản, Đài Loan và Philippines".
Chuỗi đảo thứ nhất nằm trong chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines.
Mục tiêu của Philippines
"Tổng thống cũng phải thực hiện một nỗ lực đa phương mạnh mẽ trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia và chính sách đối ngoại của Philippines, để không bị cáo buộc rằng chúng tôi chỉ nghiêng về Mỹ. Nếu một cuộc chiến nổ ra ở Đài Loan, tác động của chiến tranh sẽ gây thiệt hại lớn cho khu vực Đông Á", TS Cabalza đặt vấn đề và chỉ ra: "Ngay từ bây giờ, các quốc gia như Nhật Bản và Philippines phải giữ vai trò cân bằng trước sự cạnh tranh quyền lực ngày càng gay gắt của Mỹ và Trung Quốc".
"Vì Đài Loan quan hệ rất tốt với Tokyo, nên chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. tới Nhật sẽ tăng cường mối quan hệ an ninh của các bên ở vùng biển khu vực. Nhật Bản có năng lực quân sự mạnh mẽ có thể giúp hiện đại hóa quân sự cho các lực lượng vũ trang của Philippines", TS Cabalza phân tích thêm.
Không chỉ củng cố quan hệ với Nhật Bản, Philippines cũng tăng cường hợp tác với cả Mỹ. Ngày 2.2, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Như thế, Mỹ sẽ có thể sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines.
Nhận xét về thỏa thuận này khi trả lời Thanh Niên, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) phân tích: "EDCA là thỏa thuận mà Mỹ và Philippines ký kết năm 2014 (dưới thời chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino) nhưng việc thực thi bị trì hoãn do thái độ của Manila dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với Mỹ. Giờ đây, Tổng thống Marcos Jr. đang cố gắng thực hiện một chính sách ngoại giao cân bằng hơn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines đầu tháng 2, hai bên đã công bố EDCA. Qua đó, quân đội Mỹ sẽ hiện diện luân phiên ở Philippines. Điều này có ý nghĩa chiến lược đối với vấn đề eo biển Đài Loan, có thể là một bước để có tác dụng răn đe hiệu quả hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng bày tỏ rõ ràng quan ngại về hiệp định này. Các chi tiết vẫn còn phải chờ xem, nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ tại Philippines chắc chắn có tác động chiến lược quan trọng đối với an ninh Đông Á", PGS Koga phân tích.
Liên quan vấn đề này, TS Chester B.Cabalza phân tích: Các địa điểm nằm trong EDCA bổ sung là các địa điểm chiến lược mới, có quy mô lớn hơn với công nghệ tiên tiến, được xác định ở khu vực phía bắc của đảo Luzon, nhằm củng cố khả năng răn đe tổng hợp và khả năng tương tác trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan.
"Các căn cứ hải quân và không quân này sẽ bố trí các hệ thống vũ khí và mô phỏng các cuộc tập trận quân sự để giải quyết vấn đề quản lý khủng hoảng, cả do tự nhiên và do con người gây ra, đặc biệt nhất là để chuẩn bị cho các địa điểm sơ tán có thể có cho người Philippines ở Đài Loan và người tị nạn Đài Loan nếu căng thẳng leo thang và biến thành một cuộc chiến. Đó là một biện pháp dự phòng khôn ngoan của Philippines", vị chuyên gia phân tích.
Theo giới quan sát, sự tăng cường hợp tác quân sự song phương của Philippines với Nhật Bản và Mỹ đang góp phần hình thành nên liên minh giữa 3 nước bằng các thỏa thuận đan chéo. Cách thức này cùng với những hợp tác đa phương như Đối thoại bộ tứ an ninh (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ), AUKUS (thỏa thuận hợp tác Mỹ - Anh - Úc) để hình thành nên mạng lưới hợp tác mới do Mỹ và Nhật kiến tạo tại khu vực.
Mỹ khai thác thông tin từ khinh khí cầu Trung Quốc
Các lực lượng quân đội Mỹ ngày 7.2 tiếp tục tìm kiếm và thu gom mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc, bị bắn rơi xuống vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina ngày 4.2.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết đã điều tra khinh khí cầu khi nó còn bay và hy vọng sẽ thu được thông tin tình báo giá trị từ các mảnh vỡ. Theo trang The Drive, các máy bay do thám U-2 của không quân Mỹ đã theo dõi và thu thập thông tin từ khinh khí cầu trước khi nó bị bắn rơi.
Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Khinh khí cầu là của Trung Quốc, không phải của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình". Đến nay, Trung Quốc vẫn khẳng định khinh khí cầu là thiết bị dân sự dùng cho mục đích khí tượng. Mỹ cho rằng đây là thiết bị do thám.
Vi Trân
Bình luận (0)