Dẫn nhiều số liệu từ báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng, chuyển đến cơ quan điều tra xử lý từ năm 2011 đến nay ngày càng giảm, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Tham nhũng đã bị đẩy lùi hay thực sự kết quả thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế?”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: “Cử tri cho rằng tội phạm tham nhũng phát hiện trong thanh tra không phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng hiện nay. Nhiều vụ sau thanh tra có dấu hiệu tội phạm mà thanh tra không chuyển cho cơ quan điều tra?”.
|
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận: “Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp, việc phát hiện xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn”.
Tổng TTCP cũng cho biết trong thời gian qua ngành thanh tra đã chuyển khoảng hơn 200 vụ và trên 240 người có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra, trong đó TTCP chuyển 44 vụ. Tuy nhiên ông thừa nhận con số này là chưa nhiều vì chưa phát hiện đầy đủ yếu tố tội phạm và ngành cần phải cố gắng hơn.
Ông Tranh cho biết trong 3 năm đã xử lý 85 cán bộ công chức trong tổng số 28.000 cán bộ công chức toàn ngành. Trong đó xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 14 người và có 11 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Đối với 12 trường hợp của TTCP thì có 1 trường hợp bị xử lý hình sự.
Liên quan chất vấn của ĐB về việc xử lý kết luận sau thanh tra còn thấp, ông Tranh cho biết thanh tra chỉ có thẩm quyền kiến nghị chứ không được xử lý. Tới đây, TTCP sẽ tăng cường phối hợp với một số ngành hữu quan, trong đó phối hợp với Ngân hàng Nhà nước dự thảo thông tư, cho phong tỏa tài khoản của đơn vị vi phạm đã có kết luận thanh tra nhưng không chịu thi hành.
Mất lòng chính quyền cũng phải sửa sai!
Trả lời chất vấn của ĐB Điểu K' Rứ (Đắk Nông) về việc giải quyết những vụ khiếu nại kéo dài, ông Tranh cho biết trong 558 vụ việc khiếu nại kéo dài mà thanh tra đã giải quyết (năm 2012 - 2013) thì hầu hết là các vụ khiếu nại phức tạp, có vụ đã kéo dài 30 - 40 năm. Tổng TTCP nhìn nhận bên cạnh bất cập về cơ chế chính sách còn có hiện tượng “được lòng dân nhưng mất lòng quan chức”, né tránh đùn đẩy đơn thư đi lòng vòng khiến người dân bức xúc. “Trong thời gian tới đây phải khắc phục cho được tình trạng này, mất lòng chính quyền cũng phải sửa sai”, ông Tranh nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về vụ việc có nhiều thông tin trái chiều khiến dư luận “phân tâm”, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết kết luận thanh tra trách nhiệm về quản lý sử dụng đất đai tại TP.Đà Nẵng là đúng pháp luật thực hiện theo quy trình một cách rõ ràng. “Đến hôm nay TP.Đà Nẵng đã thực hiện kết luận thanh tra và những ngày gần đây có báo cáo hiện nay đang thực hiện 7 vấn đề, trong đó có kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư Ban cán sự thời kỳ 2003 - 2011 và thực hiện các nội dung mà kết luận TTCP đã kết luận”, ông Tranh nói.
Đối với chất vấn của ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) về vụ án Nguyễn Đức Kiên, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho rằng: “HĐXX xét xử độc lập, chịu trách nhiệm về phán quyết của mình”.
Bị truy tố nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản Sáng 12.6, tiếp tục phần trả lời chất vấn ĐBQH về sửa đổi chính sách pháp luật chống tham nhũng, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Trong bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới, ban soạn thảo và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và được ra định hướng. Trong đó về tội tham nhũng đã được Ban Nội chính T.Ư làm việc trực tiếp theo hướng bổ sung một số tội phạm tham nhũng, nội địa hóa một số tội quốc tế. Ví dụ: Làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn nào làm giàu thì cũng bị truy tố. Ngoài ra, còn vấn đề kê khai tài sản rắc rối và tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân”. Thái Sơn |
Phát hiện 3.000 trường hợp kê khai tài sản không trung thực Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về giải pháp kê khai tài sản của cán bộ như hiện nay đã có tác dụng thiết thực vào công tác phòng chống tham nhũng hay chưa, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2013 đến nay, sau khi luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực, người trong diện kê khai thực hiện đạt 98%. Trong quá trình kê khai tài sản thu nhập đã phát hiện 3.000 trường hợp không trung thực, không rõ ràng, qua xác minh đã xử lý 88 trường hợp. Trả lời chất vấn một số ĐB khác về việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng TTCP sau khi nghỉ hưu phát hiện khối tài sản kếch xù, ông Tranh cho biết hiện Ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc kiểm tra xác minh. |
Thái Sơn
>> Tổng thanh tra Chính phủ: Tham nhũng diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực
>> Thanh tra Chính phủ thừa nhận bổ nhiệm quá nhiều cán bộ
>> Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân khiếu kiện
>> Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ: Vinalines và nạn tham nhũng
Bình luận (0)