Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 của VN là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020” (90% người nhiễm HIV/AIDS biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác).
tin liên quan
Khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiệnTại buổi mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mục tiêu 90 - 90 - 90 do Liên Hiệp Quốc phát động và năm 2014 Chính phủ VN là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết hưởng ứng mục tiêu này. Liên Hiệp Quốc cũng khuyến cáo các quốc gia cần dồn tổng lực để đạt các mục tiêu này vào năm 2020, đó là cơ sở và là điều kiện cần thiết để tiến tới kết thúc dịch AIDS ở VN vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Y tế, VN muốn kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 thì lãnh đạo các cấp, ngành, tổ chức, người dân... cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để nhiều người dân tiếp cận dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; người có nguy cơ nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ xét nghiệm; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị hiệu quả; người nhiễm HIV tham gia BHYT để được điều trị lâu dài, bền vững. Bộ trưởng Y tế cũng kêu gọi sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác phòng chống HIV/AIDS và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để công cuộc phòng chống HIV/AIDS của VN đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngày 30.11, Bộ Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu (PATH) cũng đã phối hợp khởi động chương trình PrEP quốc gia nhằm giảm ca nhiễm mới HIV bằng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm.
Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020 hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất 7.300 người tại 11 tỉnh thành. PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao dự phòng bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút gây nhiễm HIV. Có thể ngừng PrEP 28 ngày sau lần phơi nhiễm HIV cuối cùng. Sử dụng PrEP đúng cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 92%. Từ tháng 6.2017, chương trình thí điểm dịch vụ PrEP ở TP.HCM và Hà Nội đã giúp gần 2.000 người được sử dụng thuốc.
Tại VN hiện có hơn 208.392 người nhiễm HIV còn sống, 3.000 - 4.000 người tử vong/năm. Mỗi năm cả nước có 8.000 người nhiễm mới.
Hiện tại, có khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Bình luận (0)