Trường ĐH Nha Trang 65 năm xây dựng và phát triển:

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản

31/07/2024 08:00 GMT+7

Tọa lạc trên ngọn đồi Lasan phía đông bắc thành phố biển Nha Trang, với 2 mặt giáp biển, Trường ĐH Nha Trang là một trong những trường đại học có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam.

GS.TS Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, cho biết cách đây 65 năm, vào ngày 1.8.1959, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm đã ký Nghị định số 21-NL/TC/NĐ, thành lập Khoa Thủy sản trực thuộc Học viện Nông Lâm. Trải qua nhiều lần di chuyển địa điểm, đổi tên, từ Trường Thủy sản năm 1966, Trường ĐH Hải sản năm 1976, Trường ĐH Thủy sản năm 1981 và từ 2006 đến nay, trường mang tên gọi là Trường ĐH Nha Trang. Quá trình xây dựng và phát triển, Trường đã nhận được các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba, danh hiệu Anh hùng lao động…

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản- Ảnh 1.

GS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 62

Ảnh: T.Q

"Từ một Khoa Thủy sản có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật về thủy sản, quy mô tuyển sinh khóa 1 (năm 1959) là 151 sinh viên, với 3 ngành: Đánh cá, Nuôi cá và Chế biến thủy sản; đến nay Trường ĐH Nha Trang đã trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học. Trường hiện có 36 đơn vị thuộc và trực thuộc; trong đó có 20 khoa, viện, trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất. Trường có quy mô hơn 15.000 sinh viên, học viên, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm ở mức 3.600 - 3.700 chỉ tiêu", GS.TS Trang Sĩ Trung tự hào chia sẻ.

Hiện Nhà trường đang đào tạo đa bậc học với 11 ngành trình độ tiến sĩ, 19 chương trình đào tạo thạc sĩ và 36 chương trình đào tạo đại học với 60 chuyên ngành. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng thường xuyên ở mức trên 80%; đặc biệt một số ngành truyền thống có tỷ lệ gần 100%. 65 năm qua, nhà trường đã đào tạo gần 110.000 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và cao đẳng trên các lĩnh vực. Trong đó có những chương trình thạc sĩ quốc tế về Quản lý hệ sinh thái biển và biến đổi khí hậu, Quản trị Kinh doanh và du lịch, Công nghệ thực phẩm, chương trình quốc tế đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và quản lý tài nguyên biển với gần 50 học viên từ các quốc gia tham gia học tập và nghiên cứu.

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản- Ảnh 2.

Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản ở cấp quốc gia

Ảnh: Bá Duy

Lần đầu tiên nhà trường đã phát triển thành công 8 chương trình đào tạo đặc biệt, gồm: chương trình tiên tiến - chất lượng cao, đào tạo định hướng POHE, song ngữ Anh - Việt, Pháp - Việt; là một trong số ít trường đại học đào tạo theo mô hình đặt hàng từ doanh nghiệp. Năm 2022, Trường ĐH Nha Trang ký kết hợp tác đào tạo với Tập đoàn thủy sản Minh Phú - một tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới để đào tạo theo hình thức đặt hàng 2 ngành, gồm Nuôi trồng thủy sản và Công nghệ chế biến thủy sản với tổng kinh phí 50 tỉ đồng trong giai đoạn 5 năm 2022- 2027.

Trường cũng đã liên kết với khoảng 30 cơ sở liên kết trong cả nước đào tạo hệ vừa làm vừa học, tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề đặc biệt lĩnh vực thủy sản vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên…

Với vị thế là đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học khai thác hàng hải và nuôi trồng thủy sản ở cấp quốc gia, phát huy thế mạnh này, hiện nay trên 40% đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu được đào tạo từ các nước phát triển và nhà trường đang tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu trong nước và quốc tế, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật các ngành khoa học về thủy sản và kinh tế biển từ các nước trên thế giới.

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản- Ảnh 3.

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản- Ảnh 4.

Với 2 mặt giáp biển, Trường ĐH Nha Trang là một trong những trường đại học có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam

Ảnh: T.Q

Nhà trường cũng tham gia triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực đặc biệt là nuôi biển, khai thác bảo tồn tài nguyên biển, chế biến các sản phẩm từ biển, thiết bị công trình biển, du lịch biển. Tiêu biểu trong số này là các công trình về sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chẽm, cá chim vây vàng, cá bớp, cá hồng bạc, cá dìa, cá chẽm mõm nhọn, cá đối mục; bảo tồn và lưu giữ một số nguồn gen thủy hải sản quý hiếm…

"Trường có quan hệ mật thiết với hàng trăm cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến châu Úc. Mối quan hệ khăng khít với 3 đại học lớn của Na Uy trong khuôn khổ Dự án SRV2701 do Chính phủ Na Uy tài trợ và nhiều dự án hợp tác quốc tế khác trong đào tạo, nghiên cứu với các nước Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... không những đã góp phần từng bước nâng cao năng lực đội ngũ của nhà trường mà còn nâng cao vị thế của nhà trường trên trường quốc tế. Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử 65 năm, Trường ĐH Nha Trang đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Trường ĐH Quốc lập Hải dương Đài Loan, mở ra một giai đoạn mới hợp tác mới sâu rộng trên nhiều lĩnh vực", GS.TS Trang Sĩ Trung cho biết thêm.

Đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học nghề cá và nuôi trồng thủy sản- Ảnh 5.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu về ngành học trong Chương trình Tư vấn mùa Thi năm 2024 tại trường ĐH Nha Trang

Ảnh: Bá Duy

Nói về định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, TS Khổng Trung Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nha Trang, nhấn mạnh tập thể Trường ĐH Nha Trang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu với mục tiêu đến năm 2030 trở thành đại học đa lĩnh vực; thuộc nhóm đầu các đại học ở khu vực Đông Nam Á về một số ngành khoa học - công nghệ biển và thủy sản.

Để đạt được mục tiêu chiến lược này, trong hoạt động đào tạo, Trường chú trọng nâng cao chất lượng thông qua việc đổi mới chương trình giảng dạy, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhà trường sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỳ vọng hàng năm tăng ít nhất 10% số lượng bài báo quốc tế uy tín, sáng chế và giải pháp hữu ích. Cùng với đó, Nhà trường cũng sẽ tích cực xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ biển và thủy sản để phát huy tối đa thế mạnh từ các hoạt động hợp tác quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.