Đón xuân ở nhà giàn DK1

Trung Hiếu
Trung Hiếu
11/01/2020 07:26 GMT+7

Chúng tôi theo đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ra thăm cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính những ngày cận tết.

Chỉ huy tuổi 30 ăn tết 8 lần trên biển

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chiều của ngày cuối năm 2019, tàu 263 có mặt ở nhà giàn DK1/14 thuộc vùng biển Tư Chính.

12 ngày đêm gian nan vượt sóng, chuyển quà tết đến nhà giàn DK1

Khi tàu sắp tiếp cận nhà giàn DK1/14, trên boong tàu, tôi thấy một thanh niên đang lúi húi đóng gói quân tư trang vào túi ni lông để chuẩn bị “vượt biển” từ tàu qua nhà giàn. Dọ hỏi, tôi nghe nhân viên trên tàu giới thiệu: “Đây là đại úy Bùi Văn Khuynh, mới 30 tuổi nhưng đã là chỉ huy trưởng của nhà giàn DK1/14 rồi đấy”. Mới nghe tưởng nói đùa bởi trong đầu tôi nghĩ đã là chỉ huy trưởng nhà giàn ở vùng biển đầy sóng gió này phải là người có bề ngoài nắng cháy, phong trần. Đằng này nhìn vóc dáng Khuynh mảnh khảnh, kiểu thư sinh.

Có cả hoa để bộ đội đón tết cổ truyền ở nhà giàn thêm ấm cúng

Những ngày ở trên tàu, trong nhiều lần tiếp xúc với chúng tôi, đại úy Khuynh chia sẻ chưa bao giờ anh nghĩ mình vào hải quân. Tốt nghiệp cấp 3, chàng trai quê ở Đồng Hới (Quảng Bình) này thi đậu vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 đóng ở Sơn Tây (Hà Nội). Năm 2012, tốt nghiệp ra trường đang chờ cấp trên phân công, Khuynh nhận được tin Quân chủng Hải quân có chính sách “thu hút nhân tài” cho nhà giàn DK1. Thế là anh Khuynh có nguyện vọng về Tiểu đoàn DK1 và được cử đi học thêm 3 tháng về nghiệp vụ chuyên môn về hải quân. Từ đó đến nay Khuynh có một thành tích đáng nể ở DK1 khi 9 năm quân ngũ đã có tới 8 năm ăn tết ở biển.
Đại úy Khuynh lần lượt công tác ở các nhà giàn DK1/15, 1/14, 1/16, 1/17, trong đó chỉ riêng nhà giàn 1/14 kể cả năm nay anh đón cái tết thứ 5. Chỉ có năm 2015 anh không đón tết ở nhà giàn vì xin đơn vị về quê cưới vợ.
Tháng 4.2019, với nhiều thành tích xuất sắc, anh Khuynh được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/14 khi tròn 30 tuổi. Đại úy Khuynh nằm trong số người trẻ được đào tạo làm cán bộ, chỉ huy trưởng cho hệ thống nhà giàn DK1 bảo vệ vùng biển phía nam Tổ quốc.
Đón xuân ở nhà giàn DK1

Do sóng to gió lớn, tàu không cập được sát nhà giàn nên việc chuyển hàng lên nhà giàn DK1/14 phải qua ròng rọc

Nói về lần vào bờ lần này, anh Khuynh kể sau nhiều năm ăn tết ở biển, năm nay anh tính xin nghỉ phép về đất liền đón một cái bên vợ con, người thân. Lấy vợ đã 5 năm, anh mới chỉ có khoảng thời gian 5 tháng bên vợ và 3 tháng bên cô con gái vừa tròn 3 tuổi. Cho nên khi biết ý định chồng năm nay đón tết ở nhà, vợ con anh vui lắm. Đặc biệt cô con gái nhỏ cứ quấn quýt bên anh suốt ngày. Thế nhưng nghỉ phép chừng 1 tháng, bên vợ con chưa kịp ấm hơi, anh phải ra nhà giàn vì đơn vị có nhiệm vụ đột xuất.
“Ra đi, tôi biết vợ con sẽ buồn nhưng mình làm chỉ huy trưởng đứng mũi chịu sào, đơn vị và đồng đội cần mình, sao vắng được. Chỉ mong vợ hiểu mình ra đi vì nhiệm vụ chứ ai không muốn được ăn tết sum vầy bên gia đình”, đại úy Khuynh tâm sự.

“Vọng gác tiền tiêu” bảo vệ chủ quyền

Hải trình cuối năm sóng to gió lớn khiến nhiều người trên tàu thấm mệt, say sóng nhưng vẫn rất háo hức khi thấy được nhà giàn. Đến nơi như thông lệ đi biển, tàu 263 đổ ba hồi chuông kéo dài như gửi lời chào thân thương của người từ đất liền tới cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Nhìn từ xa, hai nhà giàn (một cũ, một nâng cấp mới) như hai chấm nhỏ giữa chập chùng biển khơi trong ráng chiều. Trên nhà giàn đã sáng đèn, cờ Tổ quốc tung bay trên nóc. Một số chiến sĩ vẫy tay chào người từ đất liền ra thăm. Thuyền trưởng Phạm Văn Vỵ hạ lệnh tìm chỗ sóng thấp để thả neo cách nhà giàn hơn 1 hải lý.
Chỉ về phía nhà giàn, đại tá Đặng Mạnh Hùng, Trưởng đoàn công tác số 2, cho biết các nhà giàn DK1 như những vọng gác tiền tiêu, canh giữ, quản lý, nắm tình hình và khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Có mặt trên tàu, ông Bùi Quốc Bảo, cán bộ của Tổng công ty thương mại Sài Gòn, từng là cựu chiến binh chiến trường K ở Campuchia, không nén nổi xúc động khi lần đầu tiên thấy nhà giàn ở vùng biển Tư Chính. Ông Bảo cho biết, năm nay 58 tuổi nhưng khi biết công ty có suất ra thăm nhà giàn DK1 vào cuối năm, ông là người đầu tiên đăng ký. Mấy ngày trên tàu sóng to khiến ông Bảo say sóng mềm cả người, không ăn được gì.
“Ra đây, nhìn nhà giàn DK1 nhỏ bé giữa biển khơi mới hiểu được nỗi vất vả của người lính hải quân. Sự vất vả, gian khổ của họ không kém những người lính thời chiến như thời chúng tôi là bao. Biết là lên được nhà giàn mùa giông bão không phải là điều dễ dàng nhưng tôi chỉ mong ước được lên động viên các em, các cháu. Đã ra đến đây rồi mà vì sóng gió không lên được nhà giàn thì tiếc nuối lắm”, ông Bảo tâm sự.
Ước mong là thế nhưng sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt cuối năm một lần nữa lại không chiều lòng người. Dù tàu đã cố neo đậu ở mỗi nhà gần 2 ngày để chờ nước ròng và bớt sóng gió nhưng vẫn không thể lên được các nhà DK1/14, 1/12 và 1/11. Thuyền trưởng Vỵ cho hay gió to và sóng lớn, có lúc bước sóng lên cao 3 - 4 m không bảo đảm an toàn cho các thành viên lên nhà giàn. Vậy là tôi và các thành viên trên tàu 263 lỗi hẹn với nhà giàn.
Đã tiến rất sát nhà giàn, thấy các anh trước mặt nhưng không thể lên thăm và phải gửi lời thăm hỏi và chúc tết các anh qua bộ đàm trong sự tiếc nuối vô bờ của mọi thành viên trong đoàn. Bởi họ đã đi cả ngàn hải lý trên biển, chịu bao sóng gió khổ cực, say sóng triền miên để được ra với nhà giàn, nhưng khi chỉ cách nhà giàn “vài bước chân” lại không thể lên được.

3 năm công tác, 2 lần đón tết ở nhà giàn

 
Chuyến tàu 263 còn đưa trung úy Nguyễn Đức Nhật (26 tuổi), Chỉ huy phó nhà giàn DK1/12 ra nhà giàn làm nhiệm vụ sau 20 ngày nghỉ phép về thăm con gái đầu mới tròn 3 tháng tuổi. Đây là lần thứ hai trung úy Nhật đón tết ở DK1/12 sau hơn 3 năm “gia nhập” Tiểu đoàn DK1.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.