Đón xuân trên công trường đường Trường Sơn Đông

02/02/2011 10:15 GMT+7

(TNO) Giữa cái se lạnh của Tây Nguyên vào xuân, chúng tôi lên đường thăm công trường xây dựng đường Trường Sơn Đông tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Giáp Tết, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường vẫn hối hả làm để tuyến đường được hoàn thành đúng kế hoạch.

Với họ, thời gian là vàng, tranh thủ ăn vội bát cơm trưa ngay tại chỗ để chạy đua với thời tiết, với tiến độ.

Kỹ sư Trần Văn Trí - Đội thi công số 4, Công ty Cổ phần xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum tâm sự: “Để đảm bảo tiến độ, cả công trường đang chạy đua với thời gian. Mặc dù đã giáp Tết nhưng không vì thế mà tiến độ thi công chậm đi”.

Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài toàn tuyến là 671km, điểm đầu tại km 0 thị trấn Thạch Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đến điểm cuối là km 671 thuộc TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến đường được thiết kế  theo tiêu chuẩn đường cấp 4, cấp 5 miền núi, đi qua 18 huyện, thị của 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công bởi thời tiết, nhiều đoạn phải mở tuyến lại từ đầu, đặc biệt khó khăn nhất là tuyến tránh dốc Ngọc Lu (xã Ngọc Tem); nhưng để hoàn thành đúng tiến độ, công ty đã huy động 4 đội với hàng trăm cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm và nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật tập trung thi công.

Trường Sơn Đông là tuyến đường kết nối 18 huyện, thị xã của 7 tỉnh, trong đó đoạn qua tỉnh Kon Tum dài 55km. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong  phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đối với Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.

Xuân về, công trường dường như cũng vui hơn. Vừa dồn sức cho từng mét đường, từng nhịp cầu, những người ở lại vừa rộn ràng chuẩn bị đón xuân.

Đón Tết trên công trường, dù niềm vui không được trọn vẹn như đón Tết bên gia đình, nhưng những công nhân trên công trường xây dựng đường Trường Sơn Đông vẫn vui và tràn đầy ý nghĩa, bởi họ đang góp phần xây dựng nên những cung đường mùa xuân - những cung đường đem lại ấm no, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng đất...

Bài, ảnh: Hoàng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.