Trước thềm hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bản thân ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Ông Donald Trump đang cổ súy cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân - Ảnh: Reuters |
Nước Mỹ hết tiền?
Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC hôm 30.3, ông Trump - ứng viên tổng thống đang dẫn đầu đảng Cộng hòa - từ chối phủ nhận việc sẽ không dùng vũ khí hạt nhân tại châu Âu và Trung Đông. Ông tuyên bố: "Tôi sẽ không bác bỏ khả năng nào hết. Tại sao chúng ta lại làm ra chúng (vũ khí hạt nhân)?". Nhưng có lẽ cảm thấy như thế cũng hơi "mạnh miệng" quá, ông Trump sau đó quay lại với lối nói nước đôi: "Tôi sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng tôi sẽ không bác bỏ một khả năng nào hết".
Trước đó, ông Trump cũng đã làm thiên hạ giật mình với tuyên bố rằng cứ để cho các đồng minh của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc tự sản xuất vũ khí hạt nhân, Mỹ không cần phải bỏ công, bỏ của đem "cái ô hạt nhân" của mình cho 2 nước này che chung nữa.
Trong khi bao nhiêu đời tổng thống ở Mỹ đều tìm mọi cách ngăn cản phổ biến vũ khí hạt nhân thì ông Trump nói rằng cứ để cho Nhật phát triển vũ khí hạt nhân nhằm tự bảo vệ mình trước Triều Tiên, rằng Hàn Quốc đủ giàu và đủ thông minh để làm điều tương tự (?).
Nhắc đến món nợ 19 nghìn tỉ USD của nước Mỹ, ông Trump bảo tiền là lý do quan trọng nhất để Mỹ thu hẹp chiếc ô hạt nhân: "Chúng ta không đủ tiền nữa. Đơn giản thế thôi".
Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung - Ảnh: Reuters
|
Có tiến bộ!
Có lẽ điều duy nhất mà Trump vừa khoe được cho thế giới thấy là ông cũng đã hiểu biết thêm kha khá về vũ khí hạt nhân sau lần "quê độ" vì lộ rằng không biết những kiến thức cơ bản nhất trong lĩnh vực này tại cuộc một tranh luận hồi tháng 12.2015.
Còn cách lập luận phải để cho đồng minh tự "gồng" để khỏi tốn công, tốn tiền của dân Mỹ xem ra không thuyết phục tí nào.
Báo Time phân tích toàn bộ các chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% trong ngân sách quốc phòng hàng năm, vào khoảng 600 tỉ USD của Lầu Năm Góc, trong đó gần phân nửa ngân sách hạt nhân là dùng để "đe" Trung Quốc và Nga - 2 nước hiếm hoi sở hữu vũ khí hạt nhân khác. Còn phí để "che chung" ô hạt nhân cho Hàn Quốc và Nhật ở con số nhỏ xíu so với ngân sách chung. Chi phí lớn hơn nhiều nằm ở lực lượng lính Mỹ chính quy, phi hạt nhân đang đồn trú ở cả 2 nước này.
Ở Nhật, Mỹ đang duy trì khoảng 53.000 binh sĩ, thêm 43.000 người phụ thuộc và 5.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng. Mỗi năm Nhật thanh toán 1,6 tỉ USD tiền giữ chân lính Mỹ nhưng con số này không thấm tháp vào đâu so với tổng chi phí. Còn Hàn Quốc trả khoảng 1/2 cho chi phí duy trì gần 30.000 lính Mỹ trên đất nước này.
Dẫu thế, nếu nhìn xa ra, Mỹ vẫn cứ lời to. Ở khía cạnh thương mại, Mỹ hốt bạc nếu Đông Á vẫn cứ ổn định, còn nếu xảy ra cuộc chạy đua hạt nhân và tệ hơn chiến tranh hạt nhân, Mỹ mất tất cả. Time cho rằng lợi ích kinh tế đem lại cho người Mỹ vượt xa chi phí quân sự mà Mỹ đang bỏ ra để cố giữ Đông Á ổn định.
Biểu tình chống vũ khí hạt nhân ở Nhật - Ảnh: Reuters
|
Khủng bố rung đùi
Kể từ năm 1970, gần như cả thế giới đều bị ràng buộc bởi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), chỉ có 5 nước được công nhận sở hữu loại vũ khí có thể xóa bỏ cả trái đất này: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Anh. Thêm 4 nước khác cũng đã sở hữu vũ khí hạt nhân ở những cấp độ khác nhau: Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan.
Công nghệ không phải là điều quá lớn để ngăn cản các nước phát triển loại vũ khí đáng sợ kể trên. Cứ đơn giản nhìn một nước nghèo nàn, bị cấm vận bao vây tứ bề như Triều Tiên mà còn phát triển được vũ khí hạt nhân thì nhiều nước khác trên thế giới này có khả năng làm điều đó. John F. Kennedy ngay trước khi được bầu làm tổng thống Mỹ vào năm 1960 đã dự đoán rằng khoảng 10, 15 hoặc thậm chí 20 nước có năng lực hạt nhân chỉ vào 4 năm sau đó. NPT đã góp phần đáng kể ngăn viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân ra rộng rãi.
Báo Time bình luận rằng nếu như lời đề nghị của Trump mà được thực hiện thì chẳng mấy chốc những quốc gia và lãnh thổ như Đài Loan hay Ả Rập Xê Út cũng sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Và một khi một loạt nước nắm vũ khí hạt nhân thì khả năng nó lọt vào tay khủng bố cũng sẽ rất nhanh. Những kẻ khủng bố chẳng cần phải nắm tới một quả bom hạt nhân đầy đủ, chỉ cần một số vật liệu nguyên tử để sản xuất bom bẩn là đã đủ bắn kha khá phóng xạ vào các thành phố đông đúc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đáp máy bay đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, khai mạc trong ngày hôm nay, 31.3 ở thủ đô Washington - Ảnh: Reuters
|
Một số tổ chức khủng bố, trong đó bao gồm al-Qaeda từng nói rõ là muốn nắm vũ khí hạt nhân. Chính quyền Bỉ mới đây cũng tiết lộ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy mạng lưới IS đứng sau vụ khủng bố làm 32 người thiệt mạng vừa qua đã theo dõi một quan chức cao cấp tại một nhà máy điện hạt nhân ở Bỉ. Ngoài ra, 2 nhân viên tại một cơ sở nguyên tử khác ở Bỉ từng sang Syria vào năm 2012, trong đó một người đã chết, còn một người đã trở về Bỉ và đang tự do.
Cuối cùng, dưới đây là một đoạn trong một báo cáo mới thuộc Dự án quản lý nguyên tử của Đại học Harvard: "Nếu IS thực sự đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân, tổ chức này có nhiều tiền bạc hơn, kiểm soát nhiều lãnh thổ và nhân lực hơn, có nhiều khả năng tuyển dụng các chuyên gia quốc tế hơn hẳn al-Qaeda ngay cả vào thời mạnh nhất".
Và người tiếp tay cho IS nắm vũ khí hạt nhân sẽ là ông Donald Trump?
Bình luận (0)