Trong năm nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến nhiều diễn biến sôi động về an ninh, chiến lược và kinh tế.
Trong năm 2016, Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
|
Ngày 2.1, website Stratfor.com của Công ty phân tích chiến lược hàng đầu thế giới Stratfor (Mỹ) đưa ra dự báo tình hình Đông Á trong năm 2016 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Biển Đông vẫn nóng
Theo Stratfor, Biển Đông vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các bên sẽ tăng cường những động thái của mình. Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục có hành động gây quan ngại để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, còn Mỹ tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác quân sự với các nước ven biển.
Căng thẳng ở Biển Đông có thể sẽ leo thang vào thời điểm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết cuối cùng cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Dù không tham gia vụ kiện và không công nhận quyền xét xử của PCA, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng làm phức tạp thêm tình hình.
Bên cạnh đó, Mỹ đã dành ngân sách cho việc đẩy mạnh chương trình hợp tác huấn luyện liên quan đến an ninh - quốc phòng với các nước ASEAN trong năm 2016 và sẽ mở rộng hợp tác quốc phòng với Nhật Bản và Úc. Về phần mình, Nhật sẽ tiếp tục cân nhắc liệu có sẵn sàng tham gia tuần tra ở Biển Đông hay không. Tuy nhiên, Stratfor dự đoán Tokyo có thể nghiêng về khả năng tuần tra do thám trên không hơn là triển khai tàu tuần tra trên biển.
Mỹ cũng sẽ thúc giục Úc có vai trò tích cực hơn nữa ở Biển Đông. Ngoài ra, dù Mỹ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông và tiến hành bán gói vũ khí mới cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ khó mà cắt đứt quan hệ quân sự song phương. Tuy nhiên, có thể nước này sẽ phần nào nhượng bộ về việc phân giới trên biển với Hàn Quốc nhằm phân rẽ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.
Tình hình kinh tế Đông Nam Á
Cũng theo Stratfor, việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản và tình trạng kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại sẽ tạo áp lực lên các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nước ASEAN điều chỉnh cân bằng lại chính sách và tiến hành tái cơ cấu.
Năm 2016 là năm đầu tiên hiệp hội chính thức thực hiện các bước hợp tác và liên kết trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN mới ra đời với tác động sâu rộng. Những nỗ lực thiết lập hoặc thực hiện các hiệp định kinh tế - thương mại khu vực cũng sẽ được tăng cường trong năm 2016.
Nhiều quốc gia sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi một số nước khác sẽ đề nghị gia nhập. Các bên liên quan cũng sẽ đẩy mạnh đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, còn Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc xúc tiến các bước thành lập một hiệp định thương mại 3 bên. Stratfor nhận định những diễn biến này sẽ không làm thay đổi triệt để tình hình kinh tế khu vực nhưng sẽ tạo ra nhiều thách thức và cơ hội mới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với Đông Nam Á. Nước này sẽ tích cực cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua giành những gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN khi mỗi nước đều đang tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc lập 3 đơn vị quân sự mới
Theo Tân Hoa xã ngày 2.1, quân đội Trung Quốc vừa lập 3 đơn vị mới bao gồm Bộ Chỉ huy lục quân, Lực lượng tên lửa và Lực lượng chi viện chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc này nhằm “hiện thực hóa giấc mơ về một quân đội hùng mạnh”.
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời giới chuyên gia cho rằng việc thành lập Lực lượng tên lửa là sự nâng cấp Lực lượng pháo binh 2 trước đây thành đơn vị tương đương không, hải và lục quân. Còn Lực lượng chi viện chiến lược chủ yếu cung cấp các nguồn lực để bảo vệ an ninh mạng và không gian của Trung Quốc. Tờ The Washington Times dẫn lời giới quan sát nhận định sự ra đời của lực lượng này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho viễn cảnh các bên chạy đua vũ khí diệt vệ tinh không gian trong tương lai.
|
Bình luận (0)