[VIDEO] Dân An Giang sống cheo leo bên nỗi ám ảnh sạt lở
|
Chiều nay 18.6, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị công bố bản đồ các điểm sạt lở bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết trước thời điểm năm 2010, khi Trung Quốc chưa hoàn thành các công trình thuỷ điện, tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhưng ở mức độ không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 2010 đến nay, nhiều dự án thủy điện, hồ chứa của Trung Quốc đã hoàn thành thì sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn.
Thống kê từ năm 2010 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km. Đáng lưu ý, khu vực này hiện đang có 55 điểm sạt lở ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo ông Tăng Quốc Chính, nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến sạt lở bờ sông và bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long có tác động từ các hồ chứa. Theo quy hoạch, trên thượng lưu sông Mê Kông có 19 dự án hồ chứa đang được triển khai. Trong đó có nhiều hồ chứa lớn của Trung Quốc.
Ông Chính cho biết, đánh giá và khảo sát từ các cơ quan chuyên môn cho thấy trước đây lượng phù sa trên sông Mê Kông đổ về từ Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 73 triệu m3/năm. Nhưng đến năm 2012, khi nhiều dự án hồ chứa được hoàn thành, lượng phù sa về khu vực này chỉ còn 42 triệu m3. Dự báo khi 19 dự án hồ chứa được hoàn thành thì lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 10 - 15 triệu m3.
Cũng theo ông Chính, ngoài tác động của các hồ chứa trên thượng nguồn sông Mê Kông thì tình trạng khai thác cát, gia tăng các công trình, mật độ dân cư hai bên bờ sông, ven biển cũng là nguyên nhân khiến diễn biến sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp.
[VIDEO] Ám ảnh vì sạt lở trên sông Ô Môn
|
Bình luận (0)