Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng 12.000km đê bao

19/05/2008 11:03 GMT+7

Đến nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đào đắp trên 12.000 km đê bao khép kín bảo vệ 1.200 tiểu vùng sản xuất an toàn trước lũ sông Cửu Long gây hại hàng năm. Nhờ hệ thống đê bao ngăn lũ, các tỉnh trên đã chuyển đổi khoảng 1,3 triệu ha đất canh tác trước đây trồng lúa nổi hoặc lúa mùa địa phương một vụ năng suất bấp bênh sang trồng lúa năng suất cao 2 - 3 vụ/năm ăn chắc.

Mạng lưới đê bao ngăn lũ còn kết hợp phát triển giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho bà con trong đi lại, giao thương buôn bán, mở mang dân trí, từ đó xóa dần sự tách biệt giữa thành thị với các vùng nông thôn sâu xa, vùng căn cứ kháng chiến trước đây. Đáng chú ý, các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang quan tâm kiện toàn mạng lưới đê bao bảo vệ các tiểu vùng trồng cây ăn trái đặc sản, khu dân cư, các cụm kinh tế xã hội; qua đó chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang đa canh, đa con, mở mang ngành nghề nông thôn giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào nghèo vùng lũ.

Huyện Chợ Mới (An Giang) thông qua việc đắp đê bao ngăn lũ đã chuyển hàng chục ngàn ha đất canh tác lúa bấp bênh sang trồng chuyên canh các loại rau màu quay 3 - 5 vòng/năm và giá trị sản xuất đạt mức kỷ lục 373 triệu đồng/ha/ năm, cao nhất cả nước.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã hình thành mạng lưới đê bao bảo vệ 20.000 ha đất trồng cây ăn trái tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè, vốn thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long. Nhờ có mạng lưới đê bao, Vĩnh Long đã chủ động chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang luân canh 2 lúa + 1 màu trên diện tích 13.500 ha. Đây là mô hình canh tác hiệu quả cao cho nông dân thu nhập 50 - 70 triệu đồng/ ha.

Nhờ đê bao hoàn chỉnh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng lương thực 18,5 triệu tấn/ năm, giảm được thiệt hại do lũ lụt hàng năm gần 4.000 tỉ đồng so với khi chưa có đê bao.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.