Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3

Đồng bào muôn phương hướng về Giỗ tổ

29/04/2023 07:05 GMT+7

Năm nay, lượng khách về dự Giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ dự kiến tăng mạnh và đồng bào ở trong lẫn ngoài nước cùng một tấm lòng hướng về nguồn cội.

Từ hồ sơ UNESCO lan tỏa ý thức về tổ tiên chung

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tâm thức người Việt. Biểu tượng Hùng Vương (cùng với những hình tượng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử…) tạo nên hệ ý thức Việt Nam trong buổi đầu dựng nước. Điều thú vị là hồ sơ quốc gia gửi UNESCO lại không ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt" mà chỉ ghi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương". Về điều này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cũng là người trong nhóm viết hồ sơ, xác nhận: "Đúng là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là thực hành tín ngưỡng của người Việt, bắt đầu từ Phú Thọ, lan tỏa cả nước, và dần trở thành tổ tiên chung của cả dân tộc".

Đồng bào muôn phương hướng về Giỗ tổ - Ảnh 1.

Người dân về dâng hương tưởng nhớ Quốc tổ

Đình Huy

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, trong hồ sơ, chúng ta ghi trong phần nhận diện và xác định di sản như sau: "Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý Con người có tổ có tông. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc, đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Điều này kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước".

Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa được xem như một yếu tố quan trọng hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần trở thành ngọn hải đăng dẫn đường cho văn hóa Việt Nam tiến ra thế giới bằng sự tự tin văn hóa của chính dân tộc mình.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội

Cũng theo ông Sơn, Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn. Hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. "Như vậy, dù không thể hiện ở tên gọi nhưng mọi người đều hiểu đây là thực hành tín ngưỡng của người Việt, đồng thời không ghi ở tên gọi di sản cũng giúp chúng ta thể hiện mong muốn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ lan tỏa để trở thành biểu tượng chung của tinh thần đoàn kết đại dân tộc ở Việt Nam", ông Sơn nói.

Đồng bào muôn phương hướng về Giỗ tổ - Ảnh 3.

Lễ dâng hương, rước kiệu ngày Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng

GIA HÂN

Hội tụ đồng bào năm châu

Ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cho biết hằng năm, Ủy ban đều tổ chức đoàn đại biểu kiều bào về dự Giỗ tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ủy ban cũng hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hoạt động tri ân công đức các Vua Hùng tại các nước trên thế giới.

Đồng bào muôn phương hướng về Giỗ tổ - Ảnh 4.

Dâng hương ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Ngọc Dương

"Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 21.8.2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 ngày 31.12.2021 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026, góp phần thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ họ giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam", ông Mai Phan Dũng cho biết.

Cũng theo ông, người Việt Nam, dù sinh sống, lao động và học tập ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ngoài nước, thì vẫn giữ lối sống trọng tình, việc thờ cúng tổ tiên luôn được coi là việc đặc biệt hệ trọng trong đời sống. "Vua Hùng là tổ tiên chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc và ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ tổ chung của đồng bào Việt Nam khắp năm châu. Vào dịp này, kiều bào ta ở nhiều quốc gia trên thế giới như CH Czech, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Thái Lan, Lào, Nhật, Úc, Mỹ, Canada…, dù quy mô hay đơn giản, đều tiến hành tổ chức nghi lễ bái vọng các Vua Hùng, thành tâm hướng về tổ tiên nguồn cội", ông Dũng chia sẻ.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định chúng ta đã thành công trong việc xây dựng "thương hiệu" cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở cấp độ quốc tế qua ghi danh của UNESCO. "Trong thời gian vừa qua, tỉnh Phú Thọ, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao và một số tổ chức, cá nhân đã quảng bá hơn nữa tín ngưỡng qua nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhất là ở nước ngoài như ở Nga, Mỹ, Pháp, Ba Lan, Nhật Bản... Đây là những sự kiện văn hóa có giá trị đặc biệt không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam", ông Sơn nói.

Đồng bào muôn phương hướng về Giỗ tổ - Ảnh 5.

Mặc dù vậy, theo PGS-TS Sơn, chúng ta vẫn kỳ vọng tín ngưỡng quan trọng này sẽ phát huy hơn nữa sức mạnh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. "Giờ đây, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa được xem như một yếu tố quan trọng hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần trở thành ngọn hải đăng dẫn đường cho văn hóa Việt Nam tiến ra thế giới bằng sự tự tin văn hóa của chính dân tộc mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.