Theo Bộ LĐ-TB-XH, dự thảo luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm BHXH để hưởng lương hưu, nhằm tạo cơ hội cho người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu.
Ngoài điều kiện 15 năm đóng BHXH, người lao động phải đủ tuổi về hưu theo quy định hiện hành thì mới được nhận lương hưu.
Mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm với nam.
Cụ thể, lao động nữ đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu tối thiểu 45%, sau đó mỗi năm tham gia được cộng thêm 2%. Để hưởng mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm.
Đối với lao động nam tham gia BHXH từ 15 đến dưới 19 năm thì lương hưu cho mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH. Lương hưu với lao động nam thuộc nhóm này dao động từ 33,75 - 42,75%. Lao động nam đóng BHXH từ 20 năm trở lên hưởng lương hưu 45%, cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng sau đó. Muốn hưởng tối đa 75%, lao động phải đóng đủ 35 năm.
Đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, suy giảm khả năng lao động hoặc trường hợp đặc biệt có đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng dưới 15 năm thì mỗi năm tham gia được tính 2,25%.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được nhận lương hưu có thể giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ được hưởng chế độ hưu trí. Việc mở rộng diện bao phủ sẽ tác động trực tiếp đến thúc đẩy bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội, cho rằng việc giảm năm đóng BHXH ở khía cạnh nào đó ưu điểm là tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn ở hiện tại có cơ hội hưởng lương hưu trong tương lai.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng lo ngại trong lương lai với những người đóng BHXH 15 năm, nhất là phụ nữ đời sống sẽ khó khăn.
"Tuổi thọ của phụ nữ Việt Nam cao hơn nam giới, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng 45% lương, nhiều phụ nữ sẽ phải sống trong nghèo đói trong thời gian rất dài. Chính sách của Nhà nước khi ban hành phải mang tính đồng bộ, vừa có giải pháp giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, vừa có các chính sách bổ sung như: chính sách vay vốn, chính sách nhà ở, khám, chữa bệnh… Như vậy mới giữ chân người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm, để họ có thể yên tâm sau này an hưởng tuổi già", bà Hồng nói.
Xem nhanh 12h ngày 8.3: Đề nghị khai trừ Đảng ông Đỗ Hữu Ca | Ám ảnh “dòng kênh rác” Chín Xiểng
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận lao động nữ có lợi hơn lao động nam khi đóng 15 năm đủ tuổi về hưu được hưởng lương hưu 45%; còn lao động nam đóng cùng thời gian chỉ được nhận 33,75%.
Tuy nhiên, ông Huân cho hay, so với quy định trước đây phụ nữ về hưu ở tuổi 55 và nam giới về hưu ở tuổi 60, thì việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 5 năm, tức là lao động nữ phải tăng thời gian đóng BHXH thêm 5 năm, đồng thời giảm thời gian hưởng lương hưu xuống 5 năm. Trong khi đó, lao động nam tăng 2 tuổi nghỉ hưu, chỉ phải đóng thêm 2 năm.
Vị chuyên gia này chia sẻ: "Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ phải sinh đẻ, phải lo toan nhiều công việc gia đình nên tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam giới. Đến nay, nhiều người lại cho rằng, cần phải thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tưởng là có lợi cho phụ nữ, nhưng thực tế khi tuổi nghỉ hưu tăng, lao động nữ sẽ phải tăng thời gian đóng BHXH 5 năm và giảm thời gian hưởng BHXH xuống 5 năm".
Bình luận (0)