Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm

Thu Hằng
Thu Hằng
03/03/2023 18:46 GMT+7

Để tạo điều kiện cho nhiều người lao động được hưởng lương hưu, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

                  

Đây là nội dung mới được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra trong dự thảo tờ trình Chính phủ dự án luật BHXH (sửa đổi) ngày 1.3.

Đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để nhiều người lao động có lương hưu

NGỌC THẮNG

Theo Bộ LĐ-TB-XH, luật BHXH hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

Trong dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm BHXH.

Bộ LĐ-TB-XH nhận định việc này nhằm tạo cơ hội cho người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu. Cụ thể, người lao động đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện: nam đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Bên cạnh quy định trên, dự thảo luật sửa đổi cũng nêu trường hợp người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi, 10 tuổi so với quy định và có đủ 15 năm làm công việc theo quy định, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Ngoài ra, lao động đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hưu trí sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức hưởng cụ thể tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương đóng BHXH trước đó. Trong thời gian hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế.

Dự thảo lần này cũng bổ sung các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết giữa trợ cấp và BHXH bắt buộc, tự nguyện. Theo đó, người dân từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí từ ngân sách nhà nước.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí phù hợp khả năng của ngân sách từng thời kỳ. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.