Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi

03/11/2021 16:00 GMT+7

Để thực hiện tái cơ cấu, đạt các mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi, cần triển khai đồng bộ các giải về giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, giết mổ và chế biến, khuyến nông…

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045,100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp

Ảnh: Giang Phương

Hướng tới ngành chăn nuôi công nghiệp, hiện đại

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 1520 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Sản xuất chăn nuôi hàng hóa được chủ yếu sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người.

Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính được sản xuất trong cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% chế biến sâu.

Đồng bộ các giải pháp

Ông Trọng cho biết, để đạt được mục tiêu trên, một loạt các giải pháp đồng bộ về giống; thức ăn chăn nuôi; công nghệ chăn nuôi; giết mổ và chế biến; đào tạo nhân lực, khuyến nông, khoa học đã và đang được xây dựng và triển khai.

Về giống, ông Trọng phân tích, có 3 phân khúc thị trường, trong đó giống có năng suất cao phục vụ chăn nuôi công nghiệp, trang trại, chủ yếu từ nguồn nhập ngoại. Giống này cho sản phẩm chất lượng cao phục vụ phân khúc thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước có thu nhập cao. Thứ hai là giống chất lượng cao, chủ yếu là giống bản địa, phù hợp chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp, theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Thứ ba là giống vừa có chất lượng vừa cho năng suất, là con lai giữa giống năng suất cao và chất lượng cao, giữa con giống nội với con giống ngoại, phục vụ cả chăn nuôi nông hộ và trang trại.

“Chúng ta đẩy mạnh nhập giống mới chất lượng cao kèm công nghệ đồng bộ, đồng thời tăng cường phát hiện, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa. Cần phát huy được tiềm năng nội lực vì Việt Nam có hệ thống giống bản địa chất lượng cao rất đa dạng”, ông Trọng nói.

Về thức ăn chăn nuôi, cần tăng cường các đối tượng sử dụng được nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước để giảm áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vì đang phụ thuộc nhiều quá, nhập từ nước ngoài trên 90%. Sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước thì mới hạ được giá thành sản phẩm. Theo ông Trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi một phần diện tích trồng trọt ít hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, trồng cỏ, thức ăn xanh cho trâu bò; trong khi cho gia cầm sử dụng lúa thì rất tốt.

Song song đó, chúng ta nhập công nghệ chăn nuôi hiện đại, công nghệ tự động; tăng cường đào tạo nhân lực, khuyến nông và khoa học. Về chế biến, ngành chăn nuôi trong nước đang sản xuất thô là chính, giết mổ nhỏ lẻ rất nhiều. Cho nên, ông Trọng cho hay, ngành đang nỗ lực sản xuất theo chuỗi, tăng cường chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi

Ảnh: Dương Thủy

Ngành chăn nuôi cũng đang chờ đợi việc triển khai hiệu quả chính sách tín dụng. Người dân, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng nhiều chính sách về tín dụng khó áp dụng tại địa phương. Chăn nuôi gặp khó về đất đai, cần sửa lại quy định trong luật Đất đai. Trong khi đó, nuôi gia súc, gia cầm tập trung quá nhiều vào các vùng mật độ dân cư cao như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ. Theo ông Trọng, chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển chăn nuôi tới những vùng mật độ dân cư thấp, ví dụ như trung du miền núi, duyên hải miền trung và Tây nguyên… Các địa phương cần xây dựng kịp thời nghị quyết để HĐND tỉnh thông qua, trong đó cấm chăn nuôi trong nội thành nội thị và căn cơ nhất là xây dựng được chính sách di dời chăn nuôi như nêu trên khi hiện mới có 20/63 tỉnh, thành làm tốt việc này.

Ngành chăn nuôi chưa sản xuất theo chuỗi, giữa cung - cầu vẫn mất cân đối, lúc thừa khi thiếu. Chăn nuôi nông hộ chiếm tương đối trong khi sản xuất theo chuỗi thì doanh nghiệp phải là trọng tâm. Theo ông Trọng, chúng ta đang tăng cường liên kết các nông hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận, tạo thành chuỗi sản xuất mạnh.

Tại diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.

Theo ông Tiến, giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng. Ngành chăn nuôi cần vừa nâng cao năng suất giống, vừa phát triển những dòng đặc hữu và cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm. Chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 - 70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững, phải giải quyết bài toán môi trường, cần ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò để tạo động lực. Chúng ta cũng nỗ lực xây dựng chuỗi khép kín, có thể vừa theo chiều dọc và vừa theo chiều ngang, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.