Đồng cảm với học sinh từ những mất mát của mình

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
26/11/2020 09:30 GMT+7

Cũng là 1 trong 50 giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Đỗ Hoàng Phương Thảo (Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1, TP.HCM) lại cho biết muốn dùng công việc của mình để bù đắp những khiếm khuyết của trẻ.

Ở bậc mầm non, việc gắn bó, đồng hành với phụ huynh là rất quan trọng để trẻ có thể phát triển hài hòa nhất. Điều này là khá khó khăn vì mỗi trẻ có một hoàn cảnh khác nhau.
“Người ta thường nói ở bậc mầm non chủ yếu là “giữ”, còn “dạy” rất ít. Nhưng theo tôi, đây là giai đoạn các em hình thành nhân cách nên giáo viên phải đóng vai trò như một người cha, người mẹ và cả là một người bạn để giúp các em hình thành nhân cách tốt”, cô Thảo nói.
Không chỉ giới hạn ở việc vui chơi trong trường, cô Thảo còn sáng tạo ra mô hình cho trẻ học cùng phụ huynh, tận dụng nghề nghiệp của phụ huynh để giúp trẻ tiếp cận thực tế những công việc mà cha mẹ các em đang làm. Bằng sự hỗ trợ này, trẻ có những tiết học thực tế ở phòng nha sĩ, phòng trưng bày, công viên... mà người hướng dẫn, chia sẻ về những công việc này không ai khác chính là phụ huynh của các em.
Ngoài ra, cô Thảo cũng là người đưa ra sáng kiến lập hộp thư trao đổi ở mỗi lớp. Khi học sinh có nguyện vọng, tâm tư gì phụ huynh có thể viết thư gửi vào đây. Qua những bức thư chia sẻ này, giáo viên có thể hiểu hơn những câu chuyện mà học sinh mình đang gặp phải như các con không có bạn chơi ở lớp, buồn vì ba mẹ đón trễ, ở nhà không có ai bầu bạn...
“Trong đó, câu chuyện của một cô bé trong lớp khiến mình rất buồn. Bé mất cha từ lúc lên 3 tuổi, từ đó đến nay bé rất buồn và luôn mong ngóng được gặp lại cha mình. Bản thân mình cũng mất chồng cách đây vài tháng nên mình rất hiểu và đồng cảm được với nỗi buồn của bé. Qua bức thư chia sẻ của phụ huynh, mình đã dành nhiều thời gian hơn để tâm sự, kể cho bé những câu chuyện về người cha. Mình luôn động viên rằng dù cha đã mất đi nhưng ở thiên đường vẫn luôn luôn dõi theo con, đồng thời nhờ phụ huynh cho bé mang theo bên mình một kỷ vật gì đó của cha để giúp bé nguôi ngoai nỗi nhớ. Cứ thế, một thời gian trôi đi, cô bé bắt đầu cởi mở hơn, nói chuyện trở lại... Và hộp thư chia sẻ ở mỗi lớp chính là cầu nối để giáo viên hiểu học trò của mình hơn”, cô Thảo chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.