Dày đặc chi tiết, ngồn ngộn màu sắc, gây hiệu ứng thị giác mạnh cùng cảm xúc khác lạ chính là những đặc tả chuyên biệt trong gốm của Bùi Quốc Khánh. Đến với gốm như một cuộc dạo chơi, nhưng Khánh không chọn cách thử nghiệm, làm quen, chơi đùa với gốm, mà làm thật theo quan điểm rõ ràng: "Gốm phải có nội dung, có ý nghĩa, có cảm xúc".
Chỉ nhìn vẻ ngoài, dễ thấy ở gốm Khánh là cầu kỳ, chi tiết, nhưng khi nghe giãi bày về nội dung, còn thấy trong gốm là cả bầu chứa triết lý, nhân sinh, thời cuộc. Lấy ví dụ tác phẩm Cậu, đó là nét tươi đẹp cuộc đời bình dị của cậu bé dân tộc miền cao, bên cạnh là chiếc lồng chim, thân người khoác chiếc áo ấm… diễn tả rõ sự lạc quan, yêu đời, hồn nhiên, chẳng hề khổ sở, nghèo đói như nhiều cách nghĩ của người miền xuôi về cuộc sống trẻ em miền núi.
Khánh coi gốm là chất liệu được chọn ở một giai đoạn sáng tác cụ thể, mượn gốm để chuyển tải triết lý, có cả phản biện hiện thực xã hội, kể về những câu chuyện, có tươi vui, nhưng cũng lắm khi đầy gai góc, cả ưu tư, trăn trở với đời… Ẩn ý ấy được khéo léo lồng ghép vào ngôn ngữ nghệ thuật đa chiều, gốm chỉ là thân xác chuyển tải ngôn ngữ đa chiều ấy.
Nói về chi tiết tạo hình, sẽ thấy trong gốm Bùi Quốc Khánh là hình hài cụ thể, khi là trâu, khi là cá… được nhân cách hóa lên thành người. Gốm từ vô tri, dựng nên hình hài, người nghệ sĩ truyền cảm xúc vào hình khối ấy để nó sống động, có hồn, và quan trọng hơn là chuyển được cảm xúc ấy đến người xem. Những cắt, dán, vê, nặn, in, khuôn, khắc, bóp, tỉa… ứng dụng từ hai nghề thủ công là làm gốm và nặn tò he (con giống bột) chính là kỹ thuật chủ đạo trong tạo hình được Khánh ứng dụng. Anh cho biết: "Thủ pháp làm tò he truyền thống giúp tôi phá đi giới hạn của chất liệu, có thể thỏa sức sáng tạo hình dáng theo ý thích. Và đây cũng là cách chứng minh những kỹ thuật nghề thủ công, hoàn toàn có thể ứng dụng vào sáng tác đương đại, lấy đương đại tôn vinh giá trị thủ công truyền thống".
Ở góc độ trang trí, Khánh vận dụng kỹ thuật hội họa (cũng vẫn theo phong cách Pop-Art) để bổ sung thêm cho hình khối những câu chuyện, ý nghĩa nhân sinh. Trong số nhiều chi tiết hình họa, có thể thấy gốm Khánh hàm chứa sự dung nạp, tổng hợp các yếu tố từ văn hóa, dân gian vào thực tại. Như chuyện vua đi thuyền rồng hay các giải đua thuyền rồng, khi chuyển tải vào tác phẩm Một khối - là chiếc thuyền rồng gồm hai người chèo, tổng thể tác phẩm là một khối - được diễn đạt người chèo bên này, người chèo ngược lại, dù cả hai biểu hiện sự hăng say, nhiệt tình, nhưng chắc chắn con thuyền chẳng đi về đâu cả. Ở góc độ nghệ thuật, tác phẩm đẹp đa chiều ở tổng thể lẫn màu sắc, cảm xúc… nhưng nội dung lại thể hiện góc nhìn nói về mâu thuẫn. Nhiều gia đình, hội nhóm, tổ chức, công ty… có tổng thể là một khối, liền lạc, nhưng nội tại các khối tưởng là đồng nhất ấy lại có nhiều mâu thuẫn chồng chéo, kìm hãm sự phát triển.
Gốm của Bùi Quốc Khánh không theo mục đích trang trí, không chỉ để trưng bày cho đẹp, mà còn là một chuyện kể, một đề tài thời cuộc, từ những trịch thượng của các quan tham, đến khát vọng tự do, mưu cầu hạnh phúc gia đình, chuyện sinh - tử vô thường, cả câu chuyện ô nhiễm biển, hay cuộc sống cứ phải cố diễn chẳng khác gì một chú hề… được chuyển tải khéo léo vào nghệ thuật gốm. Ngắm gốm để ngẫm về đời. (còn tiếp)
Bình luận (0)