Động đất kép thảm khốc ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ

07/02/2023 06:16 GMT+7

Đến khuya qua (giờ VN), số người chết trong 2 trận động đất lớn cách nhau chưa đầy 12 giờ, đều trên 7 độ Richter, ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua 2.300 người.

Tổng số người chết ở hai nước láng giềng liên tục tăng theo thời gian. Đến khuya qua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận ít nhất 2.318 trường hợp tử vong, hàng ngàn tòa nhà bị đổ sụp trong sự kiện động đất kép mạnh nhất từng giáng xuống khu vực gần một thế kỷ qua.

Động đất kép thảm khốc  ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Những khu nhà sụp đổ ở TP. Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, sau 2 trận động đất Reuters

Số thương vong liên tục tăng

Cơ quan Quản lý công tác ứng phó các vấn đề khẩn cấp và thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết ít nhất 1.500 người đã chết tại khắp 10 tỉnh trong nước và hơn 7.600 người khác bị thương. Ở Syria, Hãng thông tấn SANA dẫn thông tin từ Bộ Y tế xác nhận hơn 820 trường hợp tử vong ở nước này, đa số ở Aleppo, Latakia, Hama và Tartus. Văn phòng LHQ về điều phối hỗ trợ nhân đạo (OCHA) cho hay số trường hợp còn lại được ghi nhận ở những khu vực thuộc miền tây bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát, với ít nhất 255 người chết và 811 người khác bị thương.

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào thời điểm người dân hai nước đang ngủ say, cụ thể là hơn 4 giờ sáng qua (giờ địa phương). Tâm chấn cách TP.Nurdagi (tỉnh Gaziantep) khoảng 23 km về hướng đông, ở độ sâu 24,1 km, cường độ 7,8 Richter, Đài CNN dẫn thông tin từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS). Với cường độ này, đây là sự kiện địa chấn thuộc dạng mạnh nhất trong ít nhất 1 thế kỷ, có thể cảm thấy ở đảo Síp lẫn Ai Cập.

Động đất 7,9 độ gây thương vong hàng trăm người ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Trong vòng chưa đầy 12 giờ sau, Trung tâm địa chất Địa Trung Hải châu Âu (EMSC) thông báo dữ liệu ban đầu cho thấy đã xuất hiện trận động đất thứ hai, cường độ 7,7 độ Richter, cách Kahramanmaras khoảng 67 km về hướng đông bắc. Cơn địa chấn thứ hai ập đến vào thời điểm nỗ lực cứu hộ đang được đẩy mạnh nhằm giải cứu những người sống sót bị chôn vùi bên dưới các tòa nhà đổ nát.

Dự kiến số nạn nhân sẽ tiếp tục gia tăng sau khi giới hữu trách nắm được tình hình chính xác hơn ở các địa phương.

Động đất kép thảm khốc  ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

Quân đội Romania chuẩn bị hàng hóa viện trợ đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ

Những tòa nhà đổ sụp

Nhiều video clip ghi bằng điện thoại ở hiện trường cho thấy hàng loạt tòa nhà sụp đổ, một số là tòa chung cư. Có thể thấy rõ bóng dáng các cư dân co ro trong cảnh lạnh giá, chờ sự giúp đỡ bên cạnh đống gạch vụn. Đường phố rải rác đầy những thanh kim loại trong tình trạng bị đứt gãy, vặn vẹo, hàng loạt ô tô bị lật ngửa. Nhiều khu vực của các thành phố Kahramanmaras và Gaziantep bị phá hủy, theo Reuters.

Trận động đất mạnh nhất từ năm 1939

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi những gì xảy ra ngày 6.2 là thảm họa tồi tệ nhất từng ập đến nước này kể từ năm 1939, năm trận động đất cường độ tương tự giết chết hơn 32.000 người và làm bị thương hơn 100.000 người khác. Địa chấn ở mức cường độ này hiếm khi xảy ra, với trung bình không đến 5 sự kiện được ghi nhận mỗi năm trên toàn thế giới. Khoảng 25 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã có 7 trận động đất cường độ 7,0 độ Richter trở lên, nhưng sự kiện hôm qua là khốc liệt nhất.
Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn trong giai đoạn thi công, chưa có dấu hiệu bị hư hại vì động đất, theo Reuters dẫn nguồn thạo tin. Động đất cũng gây hư hại cho các di tích lịch sử ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là hai quốc gia được xem là cái nôi của văn minh loài người và được Tổ chức UNESCO công nhận một số di sản văn hóa vô giá của nhân loại.

Đài CNN đưa tin một tòa nhà sụp đổ ở Malatya, thành phố lớn ở vùng Anatolia thuộc miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc công tác cứu hộ đang diễn ra. Một nhân chứng dùng điện thoại di động quay lại thời khắc tòa nhà sụp xuống sau trận động đất thứ hai. Còn video clip quay tại hiện trường nhà sập ở TP.Diyarbakir, phía đông bắc Gaziantep, cho thấy đội ngũ cứu hộ nỗ lực tìm cách đưa người sống sót khỏi hiện trường nhà sụp.

Gần 1.000 người tình nguyện ở TP.Istanbul nhanh chóng đến các địa phương gặp nạn. Ông Davut Gul, Tỉnh trưởng tỉnh Gaziantep, khuyến cáo người dân không nên vào nhà và nên giữ bình tĩnh. "Không nên sử dụng ô tô để tránh gây tắc nghẽn các tuyến đường chính. Không nên sử dụng điện thoại trong thời gian này", ông Gul kêu gọi.

Trong khi đó, những cơn dư chấn nối tiếp nhau ở miền nam và miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 11 phút sau trận động đất chính, cơn dư chấn cường độ 6,7 độ Richter xảy ra ở phía tây bắc, cách tâm chấn ban đầu khoảng 32 km. Trong chưa đầy 10 phút kế tiếp, khu vực lại bị rung chuyển bởi cơn địa chấn 5,6 độ Richter.

Động đất kép thảm khốc  ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 4.

Giải cứu thành công bé gái khỏi tòa nhà bị sụp ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình xấu đi, thế giới nỗ lực cứu hộ

Cơn bão tuyết đang hoành hành khu vực càng khiến tình thế trở nên cam go hơn. "Hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng (bởi động đất và bão tuyết). Thời tiết lạnh cóng, mưa, đường sá có thể bị tắc nghẽn, dẫn đến nguy cơ thực phẩm, sinh hoạt của con người ở các địa phương bị ảnh hưởng", Đài CNN dẫn dự báo của nhà khí tượng học Karen Maginnis. Nhiệt độ dự kiến tiếp tục giảm hôm nay (7.2), với nhiệt kế ngoài trời ở tỉnh Gaziantep tụt xuống mức âm 6 độ C.

Chưa ghi nhận thông tin có công dân VN bị ảnh hưởng

Được tin vụ động đất lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 6.2, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cùng ngày 6.2, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán VN tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán VN tại Iran (kiêm nhiệm Syria) liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng người Việt tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân VN là nạn nhân của trận động đất xảy ra vào sáng cùng ngày. Cho đến cuối ngày 6.2, chưa ghi nhận thông tin có công dân VN bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

TTXVN

Trước tình thế cam go, AFAD đã yêu cầu sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp (ERCC) của châu Âu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington vô cùng lo lắng trước thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. "Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào", AFP dẫn lời ông Sullivan.

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo kích hoạt mạng lưới các đội ngũ y tế khẩn cấp, đồng thời bày tỏ sự lo ngại về tình hình tại một số khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh Châu Âu (EU) và ít nhất 45 nước/vùng lãnh thổ nhanh chóng đề nghị hỗ trợ hai nước sau thảm kịch. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện trực tiếp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad để chia buồn và cam kết sẽ gửi các đội ngũ cứu hộ và cung cấp viện trợ cho nước này.

Al Jazeera dẫn thông báo của Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ về việc đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc cho đến ngày 13.2 vì động đất kép và dư chấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.