Đồng đô la dầu mỏ: Cáo chung sau một kỷ nguyên thống trị ?

26/05/2006 01:31 GMT+7

Trong nhiều thập kỷ qua, đồng đô la Mỹ (còn được mệnh danh là đồng đô la dầu mỏ) đã được coi là biểu tượng cho sự thống trị của kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sau một kỷ nguyên gắn chặt và chi phối thị trường dầu mỏ thế giới, đồng USD có vẻ đã và đang bước sang một thời kỳ mới - giai đoạn cáo chung của “đế chế một thời”.

"Hợp đồng hôn nhân" giữa USD và dầu mỏ Ả Rập

Trong những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Mỹ đã nhận ra vai trò sống còn của an ninh năng lượng đối với sự phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các nước công nghiệp. Do vậy, Mỹ đã tìm mọi cách để "ve vãn" làm quen nhằm ràng buộc các quốc gia nằm trong khu vực được coi là giếng dầu của thế giới. Vào những năm 1972-1974, Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Với vị thế đó, Ả Rập Xê Út không bị khống chế về sản lượng khai thác dầu mỏ, có quyền quyết định giá cả và sự đầy đủ hay khan hiếm của thị trường dầu mỏ thế giới. Dĩ nhiên là Mỹ đã chớp lấy cơ hội  "nghìn năm có một" này và nhiều thỏa thuận, hiệp định bí mật giữa hai bên đã được ký kết ngay sau đó.

Chẳng bao lâu sau, với sự bảo trợ của Ả Rập Xê Út, Mỹ đã trở thành một đối tác không thể thiếu được của OPEC và những điều khoản trong bản "hợp đồng hôn nhân" giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út đã trở thành điều khoản cho quan hệ giữa Mỹ với OPEC. USD đã trở thành đồng tiền duy nhất được sử dụng trong các giao dịch dầu lửa giữa OPEC với Mỹ và tất cả các nước trên thế giới. Đó là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên thống trị của đồng đô la dầu mỏ - thời kỳ mà giá trị dầu mỏ và USD không tách rời cho đến gần đây. Đồng thời, để góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho đồng nội tệ, người Mỹ chỉ lập ra 2 trung tâm giao dịch dầu mỏ quốc tế tại New York, London và các trung tâm này chỉ sử dụng USD trong giao dịch.

Người Mỹ đã sớm biết rằng nguồn năng lượng sống còn này chỉ có thể ngày một quý giá hơn vì nó không phải là vô tận, do vậy đồng USD cũng sẽ lên theo vì "nước nổi bèo cũng nổi". Thông qua đồng USD dầu mỏ, Mỹ đã khiến cả thế giới Ả Rập phải phụ thuộc vào kinh tế, chính trị của Mỹ, gián tiếp buộc kinh tế của các nước OPEC cùng nhiều nước khác phải "đỡ đòn" cho những cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ và lấy dầu mỏ làm "đòn bẩy" để thực hiện những toan tính chính trị trên khắp thế giới. Như vậy, vô hình trung, Ả Rập Xê Út đã "cõng rắn cắn gà nhà" khi bắt tay với Mỹ và đưa Mỹ quan hệ với OPEC để đến khi nhận ra bản chất "đối tác" của mình thì đã muộn. Điều này đã và đang được chứng minh khi Mỹ xâm lược Iraq, có ý đồ tấn công quân sự Iran - những quan hệ "tâm giao" một thời của Mỹ trong OPEC - với các nguyên cớ khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là làm thế nào để hoàn toàn thống trị được khu vực "vàng đen" của thế giới.

Sau khi Mỹ đạt được bản "hợp đồng hôn nhân" lịch sử với OPEC, nhiều nước trên thế giới đã nhận thấy vai trò tối cần thiết của đồng USD với an ninh năng lượng của họ. Các nước tìm mọi cách để mua và tích trữ USD bởi vì không có dầu thì họ phải mua mà dầu của OPEC thì chỉ được bán bằng đồng USD. Chính do vai trò lúc đó của đồng USD với thị trường dầu lửa thế giới nên nó đã tạo ra những nhu cầu "ảo" và điều này đã cho phép người Mỹ "tự tin" hơn trong việc in ấn thêm tiền để phục vụ nhu cầu chi tiêu cho quân sự, cho chi tiêu của dân Mỹ và để mua hàng hóa bên ngoài.

"Của Caesar phải trả lại cho Caesar"

Với những ràng buộc trong các điều khoản với Mỹ về việc chỉ giao dịch bằng USD khi mua bán dầu lửa, đồng tiền Mỹ đã trở thành đồng ngoại tệ chính trong thanh toán quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả Rập và tràn ngập trong các kho bạc, ngân hàng của họ. Do xuất phát điểm là những quốc gia kém phát triển, với một khoản tiền khổng lồ có được từ việc "đào mỏ" ở dưới đất lên để bán, họ chẳng biết đầu tư vào đâu hơn là thị trường Mỹ vì đây đã là một đồng minh lớn, một đối tác quan trọng làm ăn lâu dài nên chẳng có gì phải quan tâm về độ rủi ro. Thế là hàng tỉ USD lại được các nước OPEC đem vào Mỹ để đổi lấy những trái phiếu kho bạc, công trái do Bộ Ngân khố Mỹ phát hành - đồng USD sau khi được in ấn, phát hành tại Mỹ để đem đổi lấy dầu lửa lại quay trở về nơi đã sinh ra nó để làm nguồn vốn phát triển cho "chính quốc". Nhà kinh tế Mỹ D.Spiro đã phát biểu về vấn đề này rằng: "Chừng nào dầu lửa của OPEC còn được định giá bằng đô la Mỹ thì chừng đó các nước OPEC còn đổ tiền đầu tư vào Mỹ". (Còn tiếp)

Hiếu Lê (theo Pravda)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.