Nơi này không thể gọi tên là thế kỷ 21 với phố Tây lô xô những thanh niên mê chơi đang đắm mình bên chai bia và mùa hè rực lửa ở Lào. Ở đây không hàm chứa đường nét của thứ đô thị cẩu thả và vội vàng xây cất lên đâu đó giữa Yangon, Sài Gòn hay Manila. Luang Prabang cô lập trong vùng trời và thế giới riêng. Thành phố sống bằng mật ngữ, cơ chế và sự chọn lựa sinh tồn của riêng nó. Con phố đông đúc mà khách Tây lui tới nhiều nhất khi đêm về vẫn là những ngôi nhà xây vài chục năm trước, cửa gỗ gãy mục vài chỗ được sơn lại mới tinh tươm đầy sinh khí.
Nhà gỗ ở Luang Prabang hiện ra ở một hẻm nhỏ cây xanh, ẩn mình vào một hốc trong ánh chiều gay gắt. Chỉ có vài kiểu kiến trúc được phép duy trì ở Luang Prabang vì đó là tính chất và điều kiện để giữ gìn di sản văn hóa.
Nhiều mái nhà rất cũ, han gỉ, không còn nguyên vẹ̣n, nhưng vẫn giữ được nét tinh tươm, sạch sẽ, vườn hẹp nhỏ nhưng xanh mướt trước nhà, cửa gỗ đục hoa văn đơn giản. Khung cửa xanh biếc màu biển trên nền tường xi măng xỉn xám. Bốn cánh cửa hồng phấn phơn phớt trên nền khung gỗ nâu. Cách phối màu vụng về nhưng phóng khoáng phản chiếu tâm thế sống vô tư, chú trọng cảm xúc chân thành hơn là tô vẽ hay bộ tịch gồng mình cố́ làm ra vẻ di sản. Cửa phố đóng sớm khi hoàng hôn sụp xuống, rồi mở bung ra trong sáng thật sớm chủ nhà quỳ bên hiên đợi nhà sư trẻ khất thực ngang qua và mỉm cười nhận phần thực phẩm được cúng dường.
Tôi dành nhiều ngày ở Luang Prabang chỉ để nhìn cách các nhà sư đi khất thực và dân địa phương cúng dường từng món ăn. Chú tiểu tầm tuổi thiếu niên lũn cũn theo sau sư huynh, người dẫn đầu đoàn khất thực luôn là một nhà sư đĩnh đạc, quen hết dân làng và biết chuyện trò với người cúng dường. Bà lão nhà gầ̀n chợ mở hộp đồ ăn cho tôi xem, là xôi trắng, thêm vài phần bánh bao chay, một chút món ăn kèm khô. Các chú tiểu mang theo bình bát đựng đồ khất thực sẽ nhận xôi từ tay bà. Mỗi chú một phần nhỏ. Người dân cúng dường vật thực cho nhà sư, gửi nơi cửa Phật lòng tin yêu của mình.
Không có hộp nào trong đó đựng tiền. Không có những hộp thức ăn trộn lẫn lộn những món khác nhau như ta thường gặp ở các khu du lịch ồn ào tại Thái Lan hay Myanmar. Bà lão không quan tâm lắm đến việc du lịch đang bẻ cong và biến đổi thị trấn này ra sao. Nghi thức tôn giáo này vẫn được duy trì với lòng tín cẩn và được đáp lại bằng lòng trân trọng. Sau buổi khất thực, các món ăn được bày ra trên bàn trong gian bếp chùa, các chú tiểu ăn sáng, ăn trưa rồi dành cả ngày để học, đọc kinh và săn sóc ngôi chùa - ngôi nhà của họ cho đến tuổi trưởng thành.
Cô du khách Tây bước vào chùa, đem theo hàng loạt giá trị phương Tây cô cuốn theo đến châu Á, với tham vọng đồng hóa, biến những gì chưa “tiện nghi” như ý trở thành một “căn cứ” nghỉ ngơi cho hồi ức Đông Dương mà cha ông cô còn mơ màng nghĩ tới. Luang Prabang không tránh khỏi dòng chảy đó. Những quán bar Tây sáng đèn. Khách sạn giả cổ đến từng căn phòng, liên tục tô đậm Luang Prabang một thời là thuộc địa, gỡ bỏ những gì ít quen thuộc khỏi không gian để một vị khách Tây vừa thấy lạ lùng xứ sở, vừa quen giấc tiện nghi không sợ hãi gì.
|
Nhưng chú tiểu chặn cô tại cửa chùa, chối từ cuộc tham quan vì cô không ăn mặc không đủ lịch sự để bước vào phòng nghi lễ̃ mà người địa phương vốn một lòng kính ngưỡng. Chú tiểu nói bằng tiếng Anh: “Ngày mai cô có thể quay lại và nhớ ăn mặc theo quy định này”. Chú chìa tờ quy định viết vài chữ đơn giản bằng tiếng Anh với hình minh họa và cười thật tươi, chắp tay chào. Sự nghiêm khắc đó ít nhiều bị thỏa hiệp ở Thái (bằng cách cho thuê khăn quấn phần chân hở ra với giá 100 baht tại Hoàng cung Thái Lan) hoặc ở Yangon (bằng việc bán vé vào chùa). Luang Prabang thiết lập dòng chả̉y và phong cách sống của riêng họ, lách vào một ngách hẹp của cuộc xâm lấn văn hóa và kinh tế ào ạt, cố giữ lại thứ gì đó của riêng mình. Bảo thủ. Mềm mỏng. Xa xôi. Trong sân chùa, các chú tiểu đang chơi trò thảy đá, cười nắc nẻ và đuổi nhau chạy vòng quanh. Hoa sứ rơi thơm ngào ngạt giữa trưa hè nắng bạo liệt.
tin liên quan
Nghề 'cầm mạng người' trong sòng bạc nơi biên giớiPhương Tây lũ lượt về đây kiếm tìm tiện nghi dễ dàng của sự “giống hệt”. Á Đông lao xao về đây sục sạo chút sang chảnh loáng thoáng màu Phục Hưng giàu thịnh. Không ai ngửa lòng tìm chút giản đơn hồn cốt đã khiế́n Luang Prabang từng trở thành kinh đô Lào. Không ai chú ý nơi này từng là điểm dừng quan trọng trên Con đường tơ lụa, là trung tâm Phật giáo của vị vua Sisavang Vong trấn riêng mình một xứ với đức tin thuần thành, với bức tượng Phật tên Prabang từ Campuchia đã trở thành nguồn cội của tên thị trấn.
|
Có tuần ở Luang Prabang, tôi bị cơn giận chiếm hữu khi bước vào một buổi múa truyền thống Lào trong nhà hàng Tây. Vũ công chưa kết thúc điệu nhảy, bàn khách đã ồn ào chúc tụng. Vũ điệu bị cắt tối giản đến không thể nhận ra. Khác với Bali hay Thái Lan, nơi khiêu vũ là một phần của tiệc tùng, nhiều vũ điệu mà người Khmer hay người Lào trình diễn đơn thuần là sự chúc tụng dâng lên Đấng Thiêng Liêng họ thờ phượng. Họ dâng hoa. Dâng tín nghĩa. Dâng lòng thành. Và giờ chúng được bẻ cong để phục vụ bữa tối xô bồ của những vị khách không quan tâm gì đến hai cánh tay uốn lượn của người thiếu nữ đang thành kính trước Đức Phật. Vũ điệu chỉ là trò giải trí. Nhà kiểu Đông Dương chỉ là thứ trưng bày vui mắt.
Nhưng yên ủi làm sao, trên bức tường của mái chùa Xieng Thong, hoa văn mosaic làm từ gốm và cách vẽ của họa sĩ hai thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi chùa yên tĩnh. Không màu mè câu kéo tiền cúng dường. Lễ nghi diễn ra kín đáo. Người tham quan không cách gì chạm vào được di sản Phật giáo mà giới tu hành lặng lẽ ở đây đang ra sức bảo vệ khỏi dòng lũ cuốn của thế giới hiện đại.
|
Buổi chiều ở Luang Prabang, những ngã ba sông nối dòng Nậm Khan với Mekong. Tôi chạm mặt vị sư lúc ông đi ngang cây cầu đan bằng tre, chênh vênh khi nước trở mình. Cứ mỗi mùa mưa đến, cây cầu sẽ bị cuốn trôi. Gia đình người ngư dân đó sẽ đan lại cầu khi nước lặng dần và rút đi. Họ thu chút tiền lẻ của người qua cầu và lắc đầu không tính vé người tu hành. Tôi hỏi bà vì sao lại đan cây cầu này? Vì đó là cách kiếm sống, nhờ có cây cầu mà có tiền cho con đi học và tiền chợ. Chồng bà giăng lưới mỗi chiều ở quãng sông gầ̀n.
Sẽ không cần cây cầu bê tông nào bắc qua quãng sông để nối hai bờ của con sông. Luang Prabang bảo thủ với cây cầu tre của riêng nó và chỗ đứng cho một gia đình ngư dân đan cầu. Thị trấn ngắt mạch khỏi cơn đua đòi vật chất khốc liệt đang bóp nghẹt Siem Reap, Chiang Mai hay bất cứ xứ sở nào khác quá hăm hở trước tiện nghi và đổi thay.
Nhiều ngày ở Luang Prabang, tôi tự hỏi mình đang ở quãng nào củ̉a một Đông Dương từng xuất hiện rất nhiều trong văn học phương Tây? Một Đông Dương mơ màng? Cũ nát? Hết thời? Hay đơn giản là chỉ muốn nằm trong giấc ngủ yên lành mát rượi?
Bình luận (0)