Đông Dương du ký - Bài 3: Cái bang Việt ở Biển Hồ

08/09/2010 11:16 GMT+7

Giữa Biển Hồ mênh mông sóng nước, chợt nghe tiếng nỉ non phát ra từ nhóm người ăn xin: “Lạy cô, lạy chú, cho cháu xin đồng mua gạo”. Mỗi người một số phận, một thời điểm, chọn cho mình lối rẽ, để rồi tụ lại nơi này, Biển Hồ (Tonle Sap).

Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnăng là thắng cảnh nổi tiếng của Campuchia, một trong 3 hồ lớn nhất thế giới. Hơn 400 gia đình người Việt sinh sống tại đây, nhiều hộ kiếm sống bằng nghề ăn xin.

Để thu hút khách du lịch, Campuchia đào một kênh khoảng 10km, rộng 100m nối Biển Hồ với đất liền. Cuối tháng 8-2010, vào mùa mưa song khách du lịch đổ về đây nườm nượp, dễ đến chục ngàn người mỗi ngày.

Mua vé tham quan 2 USD cho mỗi người, chúng tôi thuê xuồng máy sức chứa hơn 20 người đi một vòng trên hồ. Hai bên bờ san sát những căn nhà di động của cư dân sông nước. Những chiếc xuồng bằng tôn, gỗ, những mảng bè ghép bằng tre nứa, thùng phuy, ván trên lợp lá lợp nilon, giấy dầu… nổi lều phều trên mặt nước làm thành lãnh hải riêng của mỗi gia đình. Kẻ vá lưới, giặt giũ, người mua bán, thu dọn cá, xuồng tiếp xuồng, nhà nối nhà…

Thuyền vừa dừng tại một nhà hàng nổi, 3-4 chiếc ghe, thúng đã vội vã xáp tới. “Lạy cô lạy chú cho cháu xin đồng mua gạo; chú cho con xin đồng đi, cô ơi cô con xin đồng…”. Một người đàn bà bơi chiếc xuồng nhỏ chở 3 đứa trẻ, đứa bé nhất chưa đầy tuổi bế trên tay, đứa thứ hai tầm 2 tuổi đang nằm úp vắt mình ngang xuồng ngủ, đứa lớn khoảng 4 tuổi bơi xuồng cùng mẹ.

Chị xưng tên là Trần Thị Hương, 31 tuổi, quê ở Hồng Ngự, nhưng thuộc tỉnh nào của Việt Nam thì chị không rõ! Hương bảo, chị qua đây đã 20 năm, từ ngày mẹ chia tay ba, hai mẹ con vá lưới, làm thuê kiếm sống.

Vài năm nay, du khách thăm Biển Hồ khá đông, một số cư dân Việt chia nhau canh me các nhà hàng, cầu xin bố thí. Hôm nay có vẻ là ngày “ăn nên làm ra” của họ, bởi có nhiều du khách Việt móc hầu bao, có người cho họ cả triệu đồng.

Lang bang, thất học

Chị Nguyễn Thị Hồng (34 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang) cũng mang con cập xuồng vào thuyền chúng tôi ăn xin. Chị Hồng nói, bình thường mỗi ngày làm thuê chị kiếm được khoảng 10.000 ria (tương đương 45.000 đồng) mua gạo kiếm sống qua ngày.


Một em bé ở Biển Hồ

Chị lấy chồng trên Biển Hồ này, sinh 6 đứa con, cuộc sống cứ lênh đênh nay đây mai đó theo con nước. Cả gia đình ba thế hệ sống trong một chiếc xuồng chừng 10m2. Hơn 400 gia đình người Việt qua đây từ nhiều đời hầu hết đi làm thuê cho người địa phương.

Tôi gọi một đứa trẻ tầm 9 -10 tuổi, trên cổ quấn một con trăn nhỏ đang bơi trên một cái thau nhôm. Cậu bé trả lời bằng tiếng Việt khá rành rọt: “Cháu là Bùi Thanh Dương, học lớp 2 rồi nghỉ. Trường xa, mẹ cháu hổng cho đi!”.

Vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5, Biển Hồ khá đẹp và nông, chỉ sâu khoảng 1 - 4m, với diện tích 10.000 km2. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, sông Tonle Sap chảy ngược dòng, tiếp nước từ nước hồ dâng cao và diện tích hồ mở rộng tới 16.000 km2, có thể sâu đến 9m, gây ngập lụt đồng ruộng và cây cối trong khu vực.

Nhìn cảnh nheo nhóc của những đứa trẻ trên hồ, không khỏi chạnh lòng. Biển Hồ đục ngầu màu bùn đỏ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt, đều trong cái màu đùng đục ấy. Vệ sinh không đảm bảo, sinh nhiều dưỡng ít, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em hao mòn.

Đi dọc những khe lạch trên Biển Hồ, chúng tôi thấy có hai ngôi trường dạy chữ cho con em người Việt. Vẫn thấy bóng dáng những đứa trẻ đến trường. Tuy nhiên, hướng dẫn viên du lịch người Campuchia cho biết, dạy học cho trẻ em Tonle Sap rất khó khăn.

Họ sống không cố định mà di chuyển theo mùa nước lên xuống, lúc tụ lại, lúc giãn ra. Đa phần cha mẹ, anh chị chúng đều mù chữ, ngại học hành, đưa con đi học bằng xuồng, thúng mất thời gian ảnh hưởng tới mưu sinh.

Chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện cho con đi học, song cũng chỉ cho con học để xóa mù chữ, biết viết tên, tuổi trên một số giấy tờ. Đa phần đến đây do thất cơ lỡ vận, trốn nợ nần nên vẫn chấp nhận cuộc sống dù sống nheo nhóc.


Trường học cho trẻ em Việt Nam lập ra chỉ để xóa mù chữ. 

Chờ tương lai tươi sáng

Chị Trần Thị Hương thổ lộ: “Bọn em cũng muốn lên bờ lắm, nhưng không có tiền, không có đất, biết làm sao bây giờ?! Đời mẹ chị lênh đênh trên chiếc thuyền này, đời chị vẫn vậy và tương lai của những đứa con chị cũng khó thay đổi bởi vòng luẩn quẩn làm thuê, ăn xin.

Anh Khăm Phun, một sĩ quan công an Campuchia cho biết, pháp luật nước này cho phép người nước ngoài định cư từ 10 năm trở lên, vượt qua cuộc thi sát hạch ngôn ngữ sẽ được nhập quốc tịch, được hưởng quyền lợi về sở hữu tài sản, nhà cửa, đất đai… Thế nhưng hầu hết người Việt ở Biển Hồ là cư dân tự do, không nhà cửa, giấy tờ tùy thân, không tài sản mặc dù đã sống ở đây rất lâu. Vì thế họ rất hòa nhập và tìm được công việc, chỗ ở ổn định trên đất liền.

Có mặt trong đoàn đến thăm Biển Hồ, ông Lê Đình Bửu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cao su Mang Yang - Rattanakiri, đơn vị đang triển khai dự án trồng 7.000 ha cao su ở Campuchia nói: Công ty đang rất cần công nhân nhưng tuyển dụng khó khăn. Trong khi khá nhiều lao động Việt Nam ở đây chỉ quẩn quanh làm thuê, làm mướn, cuộc sống bấp bênh. Nếu Chính phủ hai nước có cơ chế ổn định cuộc sống của những cư dân, công ty sẽ mở rộng cánh cửa tuyển dụng họ.

Theo Tiền Phong

>> Bài 1: Lái chó xuyên quốc gia
>> Bài 2: "Lô lô ti ca" Lào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.