TNO

Đông Dương ký sự - Kỳ 2: Pakse không chỉ có lạp xường

13/10/2015 11:27 GMT+7

( iHay ) Có lọ mọ ở vùng đất này, mới vỡ ra nhiều điều thú vị, đáng đến để trải nghiệm...

(iHay) Đến Lào, người ta hay nhắc tới những điểm du lịch nổi tiếng như Thủ đô Vientiane, cố đô Luang Prabang, di tích Cánh đồng Chum... Ít ai biết đến những địa danh 'vùng sâu, vùng xa' như Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasack, nằm ngay nơi hợp lưu của sông Xedone và sông Mê Kông.

>> Đông Dương ký sự - Kỳ 1: Là lạ Campuchia

Du khách chờ được làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Damcrono (Campuchia)
Du khách chờ được làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Damcrono (Campuchia)
Rời tỉnh Preah Vihear (Campuchia) lúc đầu giờ chiều, các hướng dẫn viên (HDV) ai cũng căng thẳng sợ muộn, đến mức phải mua cơm hộp ăn bữa trưa ngay trên xe. Hỏi ra mới biết: Ở cửa khẩu Domcrolo (Campuchia) sang Vuenkham (Lào), các nhân viên công vụ chỉ làm việc đến 16 giờ 30, sau giờ ấy dù có lạy van cũng “không giải quyết” và khách đi qua chỉ có nước ngủ lại giữa rừng cao su hoặc quay lại thị trấn Krong Stung Treng tìm nhà nghỉ, sáng muộn hôm sau lên làm thủ tục xuất nhập cảnh. Chạy đến cặp cửa khẩu Domcrolo - Vuenkham đúng 16 giờ 15, các nhân viên hải quan - biên phòng ngồi trong 2 căn nhà gỗ ở 2 bên barie loang lổ trắng đỏ ngán ngẩm nhìn đoàn khách đến kịp giờ, uể oải đóng dấu hộ chiếu, chả buồn kiểm tra xe cộ - hành lý.
Trương Đức Hải, Tổng Giám đốc Cty TNHH TMDV Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông nói về ý tưởng xây dựng tour du lịch trải nghiệm dự định mang tên “Hành trình di sản xuyên Đông Dương” ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, ít người biết đến thuộc 3 nước Lào – Campuchia – Thái Lan: “Trào lưu đi mua sắm, ngắm chùa chiền giờ đã bão hòa, nếu không xây dựng điểm đến mới, người ta sẽ nhàm chán Đông Dương và chuyển sang các quốc gia khác!” và liệt kê những điểm đến trong hành trình mà không phải ai cũng biết, như: Đền Preah Vihear (1 trong 3 di sản văn hóa thế giới của vương quốc Campuchia được Unesco công nhận); Bảo tàng Quốc gia Ubon xây dựng từ năm 1873, lớn nhất Thái Lan; Công viên Quốc gia Thong Ximuong, Thái Lan; chùa Wat Tai Phrachao Yai Ong Tue, Thái Lan - nơi có nhiều người Việt Nam viên tự; chùa Wat Noong Bua với kiến trúc dát vàng độc đáo của Vùng Đông bắc Thái Lan; Wat Phou - Di sản văn hoá của Lào được UNESCO công nhận năm 1992; chùa Luang - ngôi chùa lớn nhất và là trường đào tạo Cao đẳng Phật giáo của khu vực Nam Lào; Thác Khone Phapheng, Lào– thác nước lớn nhất Đông Nam Á…
Trương Đức Hải, Giám đốc Hòn Ngọc Viễn Đông lắc đầu: “Cung đường này sợ nhất muộn giờ đóng cửa khẩu”, và giới thiệu Pakse - Nam Lào: Từ Thủ đô Vientiane đến Pakse khoảng 700km (đi bằng máy bay khoảng hơn 1 tiếng, chạy xe theo đường 13, với tốc độ 100km/giờ khoảng 1 ngày); từ Pakse, du khách muốn đến cao nguyên Bolovens (tỉnh Attapeu) về Gia Lai - Kon Tum (Việt Nam) hoặc muốn đi Campuchia thì chỉ cần đi thêm 40km nữa là đến biên giới. Từ khi có cầu Hữu nghị Lào - Nhật do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mê Kông, đi thêm khoảng hơn 40km là đến Thái Lan, sau đó ngược lên phía bắc qua tỉnh Nong Khai (Thái Lan) là trở lại Vientiane...
Do vị trí thuận lợi, nên Pakse là điểm đến đầu tiên của du khách (nhất là khách châu Âu) trong hành trình thăm thú vùng Nam Lào - đông bắc Campuchia và đông Thái Lan, dĩ nhiên cũng khiến địa phương đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thu hút nhiều người dân ở trong và ngoài nước đến làm ăn, trong đó đặc biệt nhiều - nhanh - nhạy bén là người dân Việt Nam.
Nói đến người Việt ở Lào nói chung và Pakse nói riêng, phải nhắc đến Tập đoàn Dao Heuang (Đào Hương), thuộc sở hữu của bà Lê Thị Lượng (quê gốc Huế) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Lào, kinh doanh trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, khách sạn và nhất là nhà sản xuất cà phê hàng đầu với vùng nguyên liệu tại Lào trên 20.000ha, tại miền bắc Thái Lan cũng đang phát triển trên 160ha...
Ngoài kinh doanh, Tập đoàn Dao Heuang còn chú trọng giúp đỡ người nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. HDV Đặng Công Trạng, người mang cả 2 quốc tịch Việt - Lào, nhẵn mặt từng vùng đất, con người của đất nước triệu voi kể: Năm trước, 1 doanh nghiệp vận tải được thuê chở xe tải mì gói sang Lào làm từ thiện, lớ ngớ đi vào đường cấm, bị giữ lại. Phụ xe nhờ đến anh Trạng và anh đưa đến gặp bà Đào Hương. Nghe chuyện, bà gật đầu: “Làm việc thiện cho dân thì yên tâm. Tôi sẽ... đánh dây thép!” và chỉ sau 1 cú điện thoại, chiếc xe chở mì tôm ngay lập tức được phép đi...
Hình ảnh “nhập cảnh” từ cửa khẩu Damcrono (Campuchia) sang cửa khẩu Vuen Kham (Lào)
Hình ảnh “nhập cảnh” từ cửa khẩu Damcrono (Campuchia) sang cửa khẩu Vuen Kham (Lào)
Người dân Là bày bán các “sản vật rừng” bên đường quốc lộ
Chủ quán “cơm tấm Sài Gòn” Trương Thị Liễu đang mở rộng hoạt động kinh doanh nhà nghỉ - ăn uống tại Pakse (Lào)
Đông Dương ký sự - Kỳ 2: Pakse không chỉ có lạp xường - ảnh 4
Người dân Lào bày bán các “sản vật rừng” bên đường quốc lộ
Ở Pakse, một địa chỉ mà rất nhiều người Việt biết tới là quán “Cơm tấm Sài Gòn” nằm ở đường 13, đối diện khách sạn Champasak, do cô gái Trương Thị Liễu, quê ở Cần Thơ làm chủ. Cô gái này chưa tròn 30 tuổi, học Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó sang Pakse tìm "đất làm ăn” và trưởng thành từ quầy hàng nhỏ bán đồ ăn ven đường, giờ đã là bà chủ của 2 khách sạn mini và 1 quán ăn thuần món Việt, kiêm đại lý của các hãng xe khách chạy liên vạn Việt - Lào.
Một tay xây dựng cơ nghiệp, Liễu đưa gần 10 em - cháu từ quê sang phụ giúp, tuyển cũng ngần ấy nhân viên người Lào và túi bụi kinh doanh suốt ngày đêm. Hỏi chuyện, cô gái cười: “Người Việt mình bên này ít kinh doanh lớn, nên mình quyết định mở rộng kinh doanh, cũng dễ hơn!”...
Hoang vắng Wat Phou
Đến Pakse, chỉ sang ngày thứ 2 là... nản, bởi loanh quanh cũng chỉ đi xem chùa, vào chợ Đào Hương xem người Việt bán đồ lặt vặt và ra vỉa hè uống bia Lào ăn cá nướng, ra bờ sông Mê Kông xem nước chảy. May mà hôm sau, công ty tổ chức tour bố trí cho chúng tôi đi thăm Wat Phou - Di sản văn hóa thế giới của Lào, nằm cách đó gần 100 km.
Di sản Wat Phou hoang vắngDi sản Wat Phou hoang vắng
Những đền đài, cung điện trong khu di sản WatPhou bị đổ nát, xuống cấp bởi thời gian và nắng mưaNhững đền đài, cung điện trong khu di sản Wat Phou bị đổ nát, xuống cấp bởi thời gian và nắng mưa
Hàng bán hoa cúng duy nhất trong khu WatPhouHàng bán hoa cúng duy nhất trong khu WatPhou
Đây là quần thể đền thờ Khmer, nằm dưới chân núi Phu Cao (tỉnh Champasack), cách sông Mê Kông 6km, với nhiều dấu tích văn minh cổ gồm các lâu đài bằng sa thạch, các chùa chiền thờ Phật giáo Nam tông. Quần thể có 1 ngôi đền từ thế kỷ 5, nhưng các cấu trúc còn sót lại có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Ngôi đền kết cấu độc đáo dẫn đến điện thờ, có linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Địa điểm này sau trở thành 1 trung tâm thờ cúng của Thượng tọa bộ, mà ngày nay vẫn còn lại.
Anh Trạng, HDV kể: Lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội, người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng vùng đông bắc Thái Lan nô nức hành hương về khu di sản để tham gia các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh. Dịp lễ hội, người ta còn tổ chức các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa vui nhộn.
Nghe thì vậy, nhưng lúc chúng tôi đến WatPhou chỉ lơ thơ gần chục khách, trong đó chủ yếu là khách châu Âu mắt xanh tóc vàng loanh quanh chụp hình. Cả Ban quản lý di sản chỉ lơ thơ 3 cô gái bán – soát vé kiêm bán nước ngọt, khăn quàng cổ; hai nhân viên nam lái xe điện đưa khách từ cổng vào đền và duy nhất 1 quầy hàng phía trong, chuyên bán hoa cúng kết từng lẵng nhỏ hoa rừng – lá dong, cho người dân vào thắp hương đền đài cũ.
Hỏi chuyện, cô bé bán vé líu ríu: “Chỉ dịp lễ hội mới nhiều khách, giờ mùa mưa rất vắng!” và chỉ những kết cấu tường được chống đỡ bằng những giàn giáo gỗ bên trong: “Đừng đi vào đó, tường đổ không ra được đâu!”.
Lang thang khắp ngôi đền, khó mà tưởng tượng nổi người xưa có thể vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao...
Dẫu không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm tuổi vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách, không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo, yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng, mà còn không bị thương mại hóa bởi nhan nhản hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm, đồ cúng bái, bói toán và mọi dịch vụ ăn theo khác, như ở Việt Nam…
“Niagara của đất nước Triệu Voi”
“Đến Lào mà không thăm thác Khone Phapeng thì quá phí, bởi đây được gọi là thác Niagara của đất nước Triệu voi!” – người Việt ở Pakse nói vậy và liệt kê: Độ cao thác 21m, với hàng trăm thác ghềnh nhỏ suốt 10km sông. Thác nước cũng là nơi sinh sống của cá tra dầu, loài cá da trơn nước ngọt lớn nhất trên thế giới đang nguy cấp. 
Rẽ qua Khone Phapheng lúc đầu giờ sáng, cô gái ở quầy bán vé mắt tròn xoe nhìn khách và rối rít gọi lái xe điện và tiu nghỉu: “Quý khách đi bộ chút vậy. Lái xe giờ mới thức dậy!”. Thận trọng bấm chân trên con đường lát đá trơn như đổ mỡ bởi trận mưa đêm qua, ra phía um tùm cây xanh ầm ầm nước chảy. Đập vào mắt là mặt sông nâu đậm phù sa, nước tràn lênh láng 2 bên dày kịt cây cối hoang vu. Dọc bờ sông, chốc chốc lại thấy những tay lưới nhỏ vắt trên cành cây và ánh mắt của người dân sau vách nhà lá, ngay cạnh khu du lịch.
Giữa khung cảnh vắng lặng, hoang sơ, thắng cảnh nằm sát khu dân cư nhưng tuyệt nhiên không thấy hàng rào ngăn cách, nhân viên bảo vệ mà chỉ thấy những thùng rác làm bằng lốp xe ôtô, mới thấm thía về ý thức giữ gìn môi trường ở nước bạn. Chả thế mà đến các điểm bán - thu vé, nhà đón tiếp ở các di tích - thắng cảnh đều chung 1 mẫu nhà thống nhất bằng tre nứa; thùng rác thống nhất bằng lố xe; nhà vệ sinh có khu dành riêng cho người tàn tật; đặc biệt không có hàng rong, cò mồi chèo kéo du khách...
Điểm giống nhất, như vẫn gặp trên các cung đường Tây Bắc là người dân địa phương mang sản vật núi rừng ra bày ven vệ đường, chống mắt nhìn khách như nài nỉ mua giùm, từ động vật hoang dã cho đến túi nấm, mớ rau và cả những cây phong lan còn nguyên vết bầm chặt. Hỏi, bà con bảo: “Không mua là hết đấy. Rừng bị phá nhiều, nhiều rồi!” và chỉ tay vào những ổ trâu ổ voi lún nguyên vết bánh xe siêu trường - siêu trọng...
Nhiều người nói: Đến Pakse Nam Lào, chỉ thấy lạp xường, cá nướng và thịt trâu khô. Thế nhưng có lọ mọ ở vùng đất này, mới vỡ ra nhiều điều thú vị, đáng đến để trải nghiệm và kết luận: Pakse không chỉ có lạp xường…
(Còn tiếp)
 

Mai Thanh Hải

>> Chinh phục ngã ba Đông Dương
>> Đầu năm viếng chùa ở Lào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.