TNO

Đông Dương ký sự - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu

14/10/2015 14:23 GMT+7

(iHay) Ubon là tên mà tôi gọi tắt cho tỉnh Ubon Ratchathani, nằm ở vùng Đông bắc Thái Lan

(iHay) Ubon là tên mà tôi gọi tắt cho tỉnh Ubon Ratchathani, nằm ở vùng Đông bắc Thái Lan - địa phương đứng thứ 5 trong các tỉnh lớn của Thái Lan, nhưng sự sầm uất nhộn nhịp và thu hút du khách thì vẫn là điều đáng bàn…

Vượt biên giới bằng… đường hầm
Cửa khẩu Vang Tao (Lào) cách Pakse chỉ vài chục km, nhưng ngổn ngang với cảnh tượng người dân bày la liệt rau măng, hoa quả, đồ ăn sống chín, đồ ăn vặt và cả những cây hoa lan mới hái trong rừng, bán bên đường. Cả khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông lầy lội bùn đất, ổ trâu - ổ voi và mấy chốt gác của Hải quan – Biên phòng tạm bợ, ơ hờ nhìn khách từ Lào làm thủ tục xuất cảnh sang cửa khẩu Chong Mek vào Ubon Ratchathani.
Trên xe chúng tôi hôm ấy, ngoài hướng dẫn viên (HDV) Trần Công Trạng còn có thêm một nữ HDV người Lào đi theo để “trợ giúp” làm việc với lực lượng chức năng của Lào tại cửa khẩu Vang Tao, thuận tiện sang nhập cảnh bên Thái Lan. Sau khi thu hộ chiếu để người “trợ giúp” làm thủ tục và trả lại cho từng người, tiếp tục xuất trình, anh Trạng thì thầm: “Phải đi sang bên kia theo đường hầm”, khiến ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết: Đầu những năm 1990, khu vực này xảy ra tranh chấp biên giới lãnh thổ. Khi 2 bên thống nhất mở cửa khẩu, phía Thái Lan đã yêu cầu đào đường hầm cho người đi bộ để kiểm soát - phòng ngừa xâm nhập và phía trên chỉ dành cho xe có động cơ với tài xế lưu thông.
Đông Dương không phải thiên đường - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu 3Cửa đường hầm xuống lòng đất, nhìn từ phía Lào
Đông Dương không phải thiên đường - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu 4 Trong đường hầm có rất nhiều camera ghi hình

Ngang qua sân đất, leo lên gò đất, trước mặt tôi là hàng rào dây thép gai hình chữ Z như trong thao trường quân đội, trấn giữ lối vào hàng rào là trạm gác làm bằng ép, lố nhố 4-5 nhân viên Biên phòng Lào, người ngồi trong nhìn qua khung cửa nhận mặt khách, người đứng bên chiếc bàn gỗ soi mói từng gói hành lý qua lại, mặt ai cũng lạnh lùng.
Dẫn chúng tôi xuống hầm bê tông dài khoảng 200 mét, chia thành 2 làn xuất - nhập, anh Trạng chỉ những đầu soi camera ghi hình gắn chi chít: “Phía Thái Lan kiểm soát ngặt nghèo, lát lên đất Thái còn gặp cả chục đầu ghi!”.
Vài phút là chui khỏi hầm, lên đất Thái Lan. Ấn tượng đầu tiên là tòa nhà xây đón khách với 2 pano cảnh sát nam nữ Thái Lan chắp tay tươi cười, dựng 2 bên cửa. Nhân viên làm thủ tục nhập cảnh, sau khi hoàn tất công việc, trả lại hộ chiếu đều tươi cười bập bẹ tiếng Việt: "Xin chào Việt Nam", thậm chí hóm hỉnh: "Ăn cơm chưa?" khiến mọi người đều nhẹ nhõm...
Đông Dương không phải thiên đường - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu 2Đầu đường hầm ở phía Lào
Đông Dương không phải thiên đường - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu 6Hình cảnh sát Thái Lan đón chào khách, ngay trên đường hầm, phía Thái
Xúc tiến cực nhanh
Trước khi đoàn khảo sát tuyến du lịch “Hành trình di sản xuyên Đông Dương” lên đường, Trưởng đoàn Trương Đức Hải đã thông báo với Tổng cục Du lịch Thái Lan về kế hoạch, thời gian và ngay lập tức nhận được phản hồi từ phía bạn: “Sẽ có người đón tiếp và… chiêu đãi đặc sản ẩm thực - tinh thần Thái”.
Cuối giờ sáng đến điểm hẹn là khách sạn Laithong (tỉnh Ubon Ratchathani), đã thấy ông Lê Quốc Vi là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tỉnh Ubon Ratchathani, kiêm đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại tỉnh này, cùng các quan chức du lịch của tỉnh chờ sẵn ở sảnh khách sạn, tươi cười bắt tay chào đón. Buổi chiều, ngành du lịch Thái Lan mời dự chiêu đãi tại khách sạn khác. Ai cũng cứ tưởng chỉ… ăn nhậu như trong nước, khi đến mới té ngửa bởi được mời vào gian phòng rộng, bên trong là 20 bàn như 20 gian hàng giới thiệu về doanh nghiệp, địa danh, sản phẩm du lịch, y như 1 hội chợ xúc tiến Thương mại – du lịch cấp tỉnh của Việt Nam. Sau phần “xúc tiến du lịch” là các tiết mục giới thiệu các màn hát múa của người Thái vùng Đông bắc, các món ăn truyền thống và nhất là 1 phim giới thiệu về các di tích – danh thắng của tỉnh, cũng như mời gọi đầu tư – hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước, bằng giọng đọc chính gốc Việt Nam…
Hỏi ra mới biết: Việc huy động các doanh nghiệp trong tỉnh đến tham dự buổi gặp gỡ chỉ mới được tiến hành từ… buổi trưa, qua điện thoại. Nhiều doanh nghiệp nhận thông tin, dù ở các xa vài trăm km cũng nhanh chóng mang sản phẩm của mình đến góp mặt. Ngay phim giới thiệu “tiềm năng - cơ hội của tỉnh”, cũng chỉ được thực hiện trong 1 ngày, dành cho đoàn.
hình kỳ 3 - ảnh 1
hình kỳ 3 - ảnh 2
hình kỳ 3 - ảnh 3
hình kỳ 3 - ảnh 4
hình kỳ 3 - ảnh 5
hình kỳ 3 - ảnh 7
“Chúng tôi ý thức được là tỉnh mình ở xa, đi lại khó khăn, không có nhiều trung tâm mua sắm và di sản thế giới, nên trân trọng từng du khách đến thăm!”, ông Lê Quốc Vi thật thà nói vậy. Ông Vi hào hứng chia sẻ thêm: “Ít nhất, khách Việt Nam cũng có thể sang đây hưởng thụ sự yên bình và thăm bà con cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống khá đông!”. 
Dẫu sao ở Ubon này, tôi cũng thấy được yên lành - gần gũi (điều mà hiếm khách du lịch mong muốn), khi thấy những người xe thồ đạp giống xích lô ngủ ngon lành trên yên xe đỗ ven con phố, những chiếc xe bán kem bấm còi “bim, bim” mời gọi bọn trẻ con ào ra từ lớp học và cả những mái chùa cong cong, dẫu dát vàng son óng ánh, nhưng bên trong vẫn lưu giữ bao điều trầm mặc bí ẩn, như thể những người dân bản địa chỉ mong náu mình trong mái nhà cũ, ngôi chùa cổ, phó mặc cho những người “quản lý điều hành” phết lên bao sự hào nhoáng mang tên “mời gọi hội nhập” trên mọi cung đường góc chợ - dù xa xôi nhất Đông Dương...
Đông Dương không phải thiên đường - Kỳ 3: Ubon chưa khỏi… u sầu 7Buổi "xúc tiến du lịch" chớp nhoáng tại Ubon
Tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) có khoảng hơn 5.000 người Việt Nam sinh sống, chủ yếu là buôn bán và làm thợ thủ công. Trước năm 1975, việc làm ăn của người Việt ở đây khá vất vả, do chính quyền kiểm soát gắt gao việc đi lại, không được đi làm trong các doanh nghiệp, không được nhập quốc tịch… Thậm chí, chính quyền còn dồn người Việt về khu vực riêng gọi là “Nông trường”, cách xa trung tâm thành phố để sản xuất nông nghiệp.
Sau giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, đời sống của bà con người Việt ở Ubon Ratchathani đã có nhiều tiến bộ, với sự tạo điều kiện rất lớn của chính quyền. Không chỉ được nhập quốc tịch Thái Lan, những người Việt còn được giúp đỡ mở doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn buôn bán và công tác – làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan…

Mai Thanh Hải

>> Đông Dương ký sự - Kỳ 2: Pakse không chỉ có lạp xường
>> Đông Dương ký sự - Kỳ 1: Là lạ Campuchia
>> Chinh phục ngã ba Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.