Ông Đông (áo thun đỏ) đưa thương hiệu sầu riêng Quý Đông vào hệ thống Coop Mart
Cùng chúng tôi đi một vòng quanh trang trại 17ha của mình, ông Đông cho rằng tất cả những gì mình có ngày hôm nay không thể tính bằng tháng, năm mà phải tính bằng cả đời người.
Rẽ lối đi riêng
Quần đùi, áo thun lấm lem bùn đất, ông Đông cười hồn hậu khi giới thiệu về mình: “Tui chỉ học tới lớp 7 là nghỉ, rồi làm đủ thứ nghề nuôi thân, cuối cùng thấy mình hợp với nghề nông nhất”. Năm 1983, khi đến vùng đất màu mỡ này, ông Đông tự khai phá đất để trồng lúa. Tích lũy nhiều năm mồ hôi, công sức ông mua thêm đất trồng điều, cao su, và các loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, bơ.. . Gắn bó với ruộng vườn lâu năm, sau nhiều đêm trăn trở cuối cùng ông đã tìm được “đáp án” khi so sánh lợi ích của việc trồng cao su với sầu riêng. Ông Đông cho biết: khi giá mủ khoảng 400 đồng/độ, trừ chi phí người trồng lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó với năng suất 15-20 tấn/1ha sầu riêng (giống Ri 6 hoặc Thái Lan, giá trung bình 20.000 đồng/kg) thì lãi ròng có thể lên đến 300 triệu đồng. Năm 2011, khi giá cao su đang ở mức ngất ngưởng 700-900 đồng/độ, ông Đông quyết định chặt bỏ điều, cao su và quy hoạch lại trang trại.
Thời điểm đó nhiều người cho rằng ông Đông “gàn”. Nhưng họ không biết rằng ông đã và đang âm thầm học cách trồng cây ăn trái theo hướng bền vững của người Thái Lan (trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm theo quy trình khép kín). “Nếu như ở Thái Lan, người ta có sự hợp tác giữa 3 nhà: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp thì ở đây tui chỉ có một mình, vì vậy tui quyết định làm cả ba vai trò đó”. Ông Đông chia sẻ.
Tuy nhiên niềm vui không đến sớm như ông mong muốn. Sau 4 năm trồng và chăm sóc 7ha bơ và măng cụt, đến thời điểm thu hoạch thì cây không cho trái. Ngậm ngùi tìm hiểu, ông mới biết do giống không hợp thổ nhưỡng. Tuy nhiên, điều đó không làm ông nản lòng mà ông lạc quan nghĩ rằng chặt bỏ vườn cây cũng là gửi tiền tỉ và công sức của mình vào đất, rồi có ngày ông sẽ lấy lại.
Đưa sản phẩm vào siêu thị
Năm 2010, khi 3ha sầu riêng Ri 6 cho thu hoạch cũng là lúc ông Đông nghĩ đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau nhiều lần bị thương lái ép giá, tìm hiểu ông nhận thấy sản phẩm ở siêu thị bán giá ổn định nên tìm cách đưa sầu riêng của mình vào đó. Qua thời gian chào hàng, gửi hàng và nhiều quy trình kiểm soát nghiêm ngặt về mẫu mã, chất lượng… cuối cùng sầu riêng Quý Đông cũng được dán nhãn và chính thức đưa vào hệ thống Coop Mart.
Tiếp đó, ông tiến thêm một bước khi tìm cách đưa bơ, quýt đường, mít mang thương hiệu Quý Đông vào hệ thống siêu thị. Không dừng lại ở việc chỉ cá nhân mình hưởng lợi, ông đã đặt hàng cho nhiều nông dân khác trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm để họ cùng “được giá cao, biết giá trước và không bị giựt nợ”. Hiện nay, ngoài ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Coop Mart với tổng trị giá 25 tỉ/năm, ông Đông còn hợp đồng với Công ty Aeon VN trị giá khoảng 5-6 tỉ đồng/năm. Mỗi ngày, trang trại Quý Đông cung cấp cho hệ thống siêu thị khoảng 2 trấn trái cây các loại.
Ông Đông ước tính: với 10ha sầu riêng, 5ha quýt đường, 3ha mít, 2ha bơ…, nếu đi đúng lộ trình, đến năm 2016 mỗi năm trang trại của ông sẽ thu về khoảng 600 tấn trái cây các loại, tổng giá trị ước khoảng 12 tỉ đồng. Lúc đó, ông sẽ có nhiều thời gian hơn cho công tác xã hội và chuyển giao cách làm hiệu quả đến nhiều nông dân khác.
Phước Hiệp
Bình luận (0)