Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng trong 5 năm qua, chúng ta đã có nhiều thành tựu và cần tiếp tục đổi mới hơn nữa về nhiều mặt; trong đó có việc tạo ra môi trường tối ưu để thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Phạm Chánh Trực - Ảnh: Phạm Hữu |
Theo ông Trực, một trong những thành tựu quan trọng của đất nước sau 30 năm đổi mới là chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chuyển từ cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa sang chủ trương cho phép mọi thành phần kinh tế bung ra sản xuất kinh doanh; chuyển từ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước sang các doanh nghiệp hoạt động theo quy luật thị trường; từ nhà nước độc quyền ngoại thương (trong lúc nước ta bị cấm vận gay gắt) chuyển sang mở cửa với thị trường nước ngoài, xuất nhập khẩu dần dần được mở ra, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài...
Thực tiễn đất nước đang vận động đi lên, kinh tế - xã hội phát triển là một sự vận động mà qua đó, cùng với thành tựu cũng sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề. Đặc biệt là với cơ chế kinh tế thị trường luôn có mặt trái của nó, kéo theo những hệ lụy, ví dụ như chạy theo lợi nhuận tối đa dẫn tới tình trạng người ta làm bất cần, bất kể, bất chấp… Tất cả những cái đó sẽ làm tổn hại đến cộng đồng xã hội, tổn hại môi trường, thậm chí làm suy đồi đạo đức, văn hóa của dân tộc. Cho nên, có những vấn đề mà ngoài việc Đảng, Nhà nước định hướng đúng đắn còn là việc hệ thống luật pháp phải ngăn chặn cho được những mặt tiêu cực.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường cần được củng cố vững chắc bởi sự bình đẳng của các thành phần kinh tế; cần hạn chế tình trạng độc quyền doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia và tham gia có hiệu quả. Mọi sự cạnh tranh không công bằng cần được thay đổi triệt để, theo hướng tích cực cho đúng với quy luật. Tất nhiên sự thay đổi đó phải nằm trong khuôn khổ phục vụ cho mục tiêu chiến lược, cho các kế hoạch trung và dài hạn chứ không phải là tùy tiện vô tổ chức, ai muốn làm gì thì làm.
Chúng ta đã có đường lối đổi mới kinh tế phát huy hiệu quả rồi, chỉ cần tăng cường thêm chính sách, cơ chế và luật pháp kịp thời, phù hợp thực tiễn của thời kỳ mới. Trong đó, rất cần thiết việc đổi mới cơ chế theo hướng tích cực mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy nhanh và bền vững sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, cũng như phù hợp với những chuyển biến nhanh chóng của toàn cầu hóa kinh tế thế giới và xu hướng khoa học công nghệ hiện đại.
Bình luận (0)