Mới đây, sự cố đồng hồ thông minh Garmin liên tục bị sập (crash) và hiển thị lỗi "IQ!" trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi khắp các diễn đàn công nghệ. Điều kỳ lạ là lỗi này không tuân theo bất kỳ quy luật nào. Có người bị treo sau khi nhận thông báo, số khác gặp sự cố khi đang dùng bình thường.
Một người dùng Reddit cho biết mặt đồng hồ yêu thích của mình bị sập ít nhất vài lần mỗi tuần. Vấn đề bắt đầu từ tháng 7, đến tháng 11 nhiều người đồng loạt thông báo lỗi tương tự. Sau đó Garmin lên tiếng xác nhận vấn đề và tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên sự cố đã làm thổi bùng lên những tranh cãi về chất lượng của đồng hồ có tương xứng với giá bán quá đắt đỏ.
Nhiều người hối hận vì mua đồng hồ Garmin
"Có ai hối hận khi mua Garmin vì nó không tốt như kỳ vọng so với mức giá?", người dùng Sealy Sea đặt câu hỏi trên diễn đàn Reddit. Dưới phần bình luận, hàng trăm người kể lại trải nghiệm thực tế của mình, nhiều người cho biết họ thật sự hối hận vì đã mua đồng hồ của thương hiệu này.
Tài khoản HairyNoise là khách hàng của Garmin từ 2018, đã dùng qua bốn model nhưng đã quyết định "không bao giờ quay lại" sau khi gặp lỗi với chiếc Garmin Fenix 7 Pro (giá gần 23 triệu đồng). "Tôi gặp sự cố phần mềm, giống hầu hết người dùng thời gian gần đây. Đồng hồ đột ngột tắt nguồn, khởi động lại khi đang lưu dữ liệu. Sau khi mất hết các chỉ số thống kê, tôi quyết định sẽ không mua một chiếc Garmin nào nữa. Nó không đáng đáng để tôi tốn thêm thời gian và tiền bạc", người dùng HairyNoise chia sẻ lại trải nghiệm của mình.
Trong khi đó, một người dùng Garmin Forerunner 965 (giá 16,5 triệu đồng) nói: "Tôi thật sự hối hận khi mua model này. Gần như chẳng có gì chính xác. Tôi bơi 1km ngoài trời, đồng hồ báo tôi bơi được 600m. Phải mất rất lâu để GPS hoạt động. Tôi nạp khoảng 3.200 calo một ngày nhưng đồng hồ báo tôi đang đốt cháy 2.500 calo nên phải tăng cân, trong khi tôi đang giảm cân. Ứng dụng quá phức tạp, nhịp tim của thôi được thông báo thay đổi liên tục. Họ đang bán cho bạn sản phẩm rẻ tiền với giá cao".
Đánh giá chi tiết hơn, chủ nhân của một chiếc Garmin Fenix 5 Plus Sapphire nói: "Hối hận thì không nhưng chính xác thì tôi thất vọng". Người này chỉ ra các lỗi liên quan đến bản đồ thi thoảng không hiển thị ở khu vực đang sống. Màn hình bị nhiều điểm chết sau một năm dùng. Các chân sạc bị ăn mòn dẫn sau một thời gian sử dụng. Các chỉ số đo không ổn định, sai số lớn với thực tế. Cuối cùng, người này cho rằng với giá 800 EUR (21 triệu đồng), đồng hồ của Garmin Fenix 5 Plus Sapphire đắt gấp bốn lần so với những smartwatch có cùng tính năng cô mua sau đó.
Đâu là ưu và khuyết điểm của đồng hồ Garmin?
Không thể phủ nhận Garmin là một trong những đồng hồ thông minh được cộng đồng yêu thể thao ưa chuộng vì đo được nhiều thông số chuyên sâu, thiết kề bền bỉ. Đặc biệt đồng hồ của hãng nổi tiếng với thời lượng pin lâu, có thể kéo dài cả tuần.
Ngoài ra Garmin còn có một ưu điểm lớn nữa là dễ kết nối với cả hệ điều hành Android lẫn iOS. Hãng cũng liên tục ra mắt nhiều phiên bản mới, đa dạng mẫu mã, giá thành để người dùng lựa chọn theo nhu cầu, thói quen thể thao và khả năng tài chính.
Tuy nhiên, đồng hồ Garmin cũng có những tồn tại nhiều năm, khiến người dùng khó chịu. Đầu tiên là ngoại hình không bắt mắt. Biên tập viên Cat Ellis của Techradar nói đồng hồ Garmin được thiết kế như một chiếc xe tăng. Trang này đánh giá mẫu Instinct Solar có thể xem là một trong những thiết bị theo dõi chỉ số tuyệt vời nhưng nó cũng là một "con quái vật đồ sộ".
Mới đây, công ty đã làm những model thời trang hơn như Garmin Lily với dây đeo mỏng, mặt đồng hồ gọn, đèn nền thiết kế hoa văn đẹp mắt ngay cả khi tắt. "Nhưng thật không may, nó lại có một nhược điểm lớn: Dù là thiết bị theo dõi sức khỏe nhưng model này lại không tích hợp GPS mà phải dùng định vị của điện thoại. Đồng hồ cũng không có các chế độ luyện tập chuyên biệt như nhiều model khác của Garmin. Nếu cần chạy bộ và luyện tập với các chế độ thông minh hơn, người dùng phải cần thêm một thiết bị khác", Techradar đánh giá.
Trong khi đó Forbes cũng chỉ ra hạn chế của một số mẫu đồng hồ của Garmin như Forerunner 165. Bên cạnh những ưu điểm đã chỉ ra ở trên, Forbes đánh giá phần mềm vẫn là điểm trừ của đồng hồ. Biên tập viên công nghệ Andrew Williams cho biết cảm biến đo nhịp tim của đồng hồ thường xuyên sai số nghiêm trọng khi pử phòng tập. "Khi dùng máy tập tạ, Forerunner 165 ghi nhận nhịp tim của tôi bằng một nửa so với thực tế", Williams chia sẻ.
Nhiều người dùng đồng ý rằng ngoài giá bán đắt đỏ, những lỗi nhỏ về phần mềm là điểm yếu lớn của Garmin. Dù tồn tại nhiều năm, bị người dùng phàn nàn nhiều lần nhưng công ty gần như không có động thái đáng kể để khắc phục dứt điểm các lỗi này.
Bình luận (0)