Hơn 20 năm nay, vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, tộc Trần ở thôn Cảnh Vân (xã Phước Thành, H.Tuy Phước, Bình Định) lại tổ chức lễ trao học bổng, khuyến khích con cháu thi đua học tập.
Ươm mầm tương lai
Theo ông Trần Bùi Nghê (75 tuổi, ở thôn Cảnh Vân), Trưởng ban khuyến học tộc Trần ở Cảnh Vân, truyền thống khuyến học của dòng họ vốn có từ các đời trước và được TS.Trần Đình Sơn (1939 -2012, Giáo sư, Viện sĩ Hàn lâm khoa học Paris, Tiến sĩ quốc gia Cộng hòa Pháp) khởi xướng lại vào năm 1993. Không những hỗ trợ tiền, TS.Trần Đình Sơn còn kêu gọi những người trong tộc đóng góp để xây dựng quỹ khuyến học cho dòng họ. Khi ông Sơn qua đời, vợ ông ở Pháp thay chồng thường xuyên gửi tiền về quê để hương hỏa cho ông bà và góp vào quỹ khuyến học của tộc Trần.
tin liên quan
Gặp cụ ông 84 tuổi học cao học: Đừng gọi tôi bằng bác!'Thầy cô, bạn bè đừng gọi tôi bằng bác', là nguyện vọng của cụ Lê Phước Thiệt (84 tuổi) khi theo học cao học tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
“Mỗi năm, người trong tộc Trần đóng góp theo quy ước cho quỹ khuyến học của tộc họ khoảng 30 triệu đồng, số tiền người trong tộc tự nguyện đóng góp thêm được khoảng 30 triệu đồng. Đến đầu năm 2017, quỹ khuyến học họ Trần còn 100 triệu đồng. Chúng tôi đang vận động mọi người đóng góp thêm là để có thể duy trì quỹ khuyến học tồn tại lâu dài và nâng mức tiền trao học bổng cho con cháu ngày càng cao hơn”, ông Nghê cho biết.
Hằng năm, vào ngày giỗ tổ tộc Trần ở Cảnh Vân (ngày 12 tháng Giêng), con cháu tập trung đông đủ tại từ đường thì Quỹ khuyến học tộc Trần sẽ phát học bổng và trao phần thưởng. Tộc Trần chỉ trao học bổng cho các cháu học THPT và đại học. Cháu nội hay cháu ngoại của họ Trần đều được chọn để trao học bổng dựa trên thành tích học tập.
Bắt đầu từ năm 1993, tộc Trần đã trao 3 suất học bổng cho con cháu học PTTH với mức 270.000 đồng/suất, 5 suất học bổng đại học với mức 500.000 đồng/suất và 10 phần thưởng khuyến học với mức 250.000 đồng/suất. Đến năm 2015, tộc Trần đã trao 4 suất học bổng cho học sinh THPT với mức 400.000 đồng/suất và 14 suất học bổng đại học với mức 500.000 đồng/suất.
“Số tiền không nhiều nhưng nó khuyến khích về mặt tinh thần, thúc đẩy các gia đình chăm lo cho việc học tập và nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến ông bà tổ tiên. Nhờ tộc họ luôn chăm lo, khuyến khích nên phong trào thi đua học tập của con cháu tộc Trần ngày càng được đẩy mạnh. Có những gia đình có nhiều con cái đỗ đạt, như gia đình ông Trần Bùi Thao, Trần Đình Phan, Nguyễn Trần Đường (cháu ngoại)… đều có 4 người con tốt nghiệp đại học…”, ông Nghê nói.
Văn võ phát khoa
Cụ tổ họ Trần là ông Trần Hữu Đức từ H.Hải Hậu (tỉnh Nam Định) vào lập nghiệp tại làng Cảnh Vân khoảng 300 năm trước. Đến đời thứ 6 có ông Trần Hữu Trọng đỗ tú tài khoa thi Hương năm 1858 (năm Mậu Ngọ) tại trường thi Bình Định và em trai là Trần Hữu Gia đỗ tú tài tại khoa thi Hương năm 1861 (năm Tân Dậu). Đến đời thứ 7 có ông Trần Hữu Nham đỗ tú tài khoa thi Hương năm 1882 (năm Nhâm Ngọ).
Ông Nghê kể, khi phong trào Cần Vương bùng nổ (năm 1885), ông Trần Hữu Nham mộ dân binh ứng nghĩa. Ông được Nguyên soái nghĩa quân Cần Vương tại Bình Định là Mai Xuân Thương cử làm Tán tương quân vụ, chỉ huy nghĩa quân ở H.Tuy Phước (Bình Định) ngày nay. Khi có lệnh cấp trên bắt giáo dân theo đạo Thiên Chúa, thay vì giết như những nơi khác, ông Nham cho họ dồn về một khu gọi là khu Cấm Cố, cấp đất cho học sản xuất gọi là Vườn Đạo. Những địa danh này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Khi nghĩa quân Cần Vương thất bại, ông Nham bị tay sai của Pháp bắt, giải về thành Bình Định. Giáo dân theo đạo Thiên Chúa nhớ ơn cũ ra sức van xin nên triều đình nhà Nguyễn tha chết, dụ ông ra làm quan nhưng ông từ chối để về ở ẩn.
Ông Trần Hữu Nham có 2 người con trai là ông Trần Trọng Giải đỗ tú tài và Trần Đình Tân (đời thứ 8)
đỗ cử nhân, cùng khoa Ất Mão (năm 1915).
đỗ cử nhân, cùng khoa Ất Mão (năm 1915).
Theo ông Trần Bùi Nghê, ông Trần Trọng Giải là người đầu tiên đem chữ Quốc ngữ về dạy tại Cảnh Vân. Năm 1911, ông Giải được triều đình bổ nhiệm làm Hương sư tại Cảnh Vân, ông đã vận động nhiều người góp tiền xây dựng trường, vận động con em đến học chữ Quốc ngữ.
Ông Trần Đình Tân làm quan đến chức Thương tá tỉnh vụ tỉnh Ninh Thuận, hàm Trung Nghị đại phu. Ông được cử làm hội trưởng Văn chỉ Tuy Phước (1956) và được bầu làm Hội trưởng Hội Khổng học Bình Định (1956 – 1961). Con của ông Tân có TS.Trần Đình Sơn, người đỗ đạt cao nhất họ Trần và Trần Thị Xuân Trang, nữ cử nhân đầu tiên của họ Trần. TS.Trần Đình Sơn có 3 người con gái: 2 người là bác sĩ, 1 tiến sĩ mỏ địa chất đang sống và làm việc tại Pháp.
Theo ông Nghê, ngay tại từ đường tộc Trần được xây dựng từ năm 1916 đến nay vẫn duy trì một gian thờ rất đặc biệt, đó là gian “Văn võ phát khoa”. Ngoài các vị văn phát khoa nói trên, họ trần có có các vị võ phát khoa là Tiền đội trưởng Trần Hữu Huyền và Tam phẩm lãnh binh Trần Hữu Tam thời triều Nguyễn.
“Gian thờ văn võ phát khoa không chỉ là nơi thờ tự các bậc tiền nhân đỗ đạt đầu tiên trong dòng họ mà còn nhằm khuyến khích, nhắc nhở con cháu noi gương cha ông về học tập. Tộc Trần có truyền thống là ngày Mùng 1 Tết hàng năm, con cháu đều phải tập trung về từ đường để cúng ông bà, ôn lại truyền thống học hành của tổ tiên”, ông Nghê nói.
Tộc họ khuyến học tiêu biểu
TS Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội khuyến học Bình Định cho biết: Toàn tỉnh Bình Định có 220 dòng họ thành lập được ban khuyến học và đã có nhiều đóng góp rất lớn cho phong trào khuyến học tại địa phương. Trong đó có những dòng họ làm rất tốt như họ Quách ở TT.Phú Phong (H.Tây Sơn), họ Huỳnh ở xã Tây Vinh (H.Tây Sơn), họ Võ ở xã Nhơn Tân (TX.An Nhơn), họ Hà ở H.Phù Cát… Trong đó, dòng họ Trần ở Cảnh Vân là một đại diện tiêu biểu, không những làm rất tốt công tác khuyến học mà còn duy trì được rất lâu, có ảnh hưởng đến nhiều tộc họ khác trong vùng. Đại hội gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ nhất, tôi có mời ông ông Trần Bùi Nghê, Trưởng ban khuyến học tộc Trần ở Cảnh Vân ra Hà Nội tham dự.
|
tin liên quan
Cô gái người Dao bị bắt nghỉ học cưới chồng giành học bổng 1,2 tỷTừng bị gia đình bắt nghỉ học 3 năm để làm rẫy, chuẩn bị gả chồng, cô gái người dân tộc Dao - Chảo Thị Yến đã không ngừng đấu tranh để được đi học và xuất sắc giành học bổng danh giá của Đức.
Bình luận (0)