Khoảng 1.000 năm trước, Ismail al-Jazari đã phát minh ra một chiếc đồng hồ phức tạp mà người ta thường gọi là "đồng hồ voi".
Thiết kế của đồng hồ này đã được trình bày chi tiết trong quyển sách của Ismail al-Jazari - Sách kiến thức về các thiết bị cơ khí khéo léo. Trong đó tác giả viết: "Con voi tượng trưng cho nền văn hóa Ấn Độ và châu Phi, hai con rồng biểu thị cho văn hóa Trung Hoa, con phượng hoàng đại diện cho văn hóa Ba Tư, công trình nước cho thấy văn hóa Hy Lạp, còn chiếc khăn xếp tượng trưng cho văn hóa Hồi giáo…".
Ngoài ra, trên đồng hồ ta thấy còn có hình ảnh của Salāh ad-Dīn al-Ayyūbi, một người Kurd theo đạo Hồi đã giải phóng Jerusalem khỏi quân Thập tự chinh và là người sáng lập triều đại Ayyubid của Ai Cập, đây là nhân vật mà Ismail al-Jazari vô cùng ngưỡng mộ.
Cách vận hành của "đồng hồ voi"
Theo Wikipedia, cơ chế tính thời gian của đồng hồ này dựa trên một cái chậu chứa đầy nước ẩn bên trong con voi. Trong xô có một cái tô đáy sâu nổi trên mặt nước, có một lỗ nhỏ ở giữa. Mất nửa giờ để nước lấp đầy cái lỗ này.
Trong quá trình chìm xuống, cái tô kéo một sợi dây gắn vào bộ phận bập bênh trong tháp (trên đỉnh voi). Điều này giúp quả bóng rơi vào miệng của một con rắn, khiến con rắn chúi về phía trước, kéo sợi dây làm cho cái tô nhô lên khỏi mặt nước.
Trong lúc đó, một hệ thống dây khiến một hình nhân trong tháp giơ tay trái hoặc tay phải lên và người quản tượng (người điều khiển voi ở phía trước) đánh vào chũm chọe, một con chim cơ học kêu lên, thông báo rằng nửa giờ hoặc một giờ đã trôi qua. Sau đó con rắn sẽ quay trở lại để thực hiện chu kỳ kế tiếp.
Một tính năng khác của đồng hồ là ghi lại thời gian trôi qua của các giờ tạm thời. Đồng hồ có 2 bình chứa. Bình phía trên kết nối với cơ chế chỉ báo thời gian, bình dưới nối vào bộ điều chỉnh kiểm soát lưu lượng. Vào lúc rạng đông, vòi được mở và nước chảy từ bình trên xuống bình dưới thông qua bộ điều chỉnh phao để duy trì áp suất không đổi trong bể tiếp nhận.
Những bản sao của "đồng hồ voi"
Hiện nay tổ chức 1001 phát minh (1001 Inventions) của Ahmed Salim đã tạo ra những bản sao hiện đại của đồng hồ voi. Từ năm 2006, tổ chức này đã giới thiệu những bản sao đồng hồ voi khắp nơi trên thế giới, như một phần của chương trình khoa học giáo dục 1001 phát minh.
Tại Bảo tàng khoa học Luân Đôn, vào tháng 1.2010, nhà báo Nick Higham đã tận mắt chứng kiến đồng hồ voi do 1001 phát minh sản xuất và cho biết bản sao đồng hồ này cao 5 m, vẫn đang hoạt động một cách "ngoạn mục". Nếu đến Trung tâm mua sắm Ibn Battuta (Ibn Battuta Mall) ở Dubai, khách du lịch có thể tìm thấy một bản sao đồng hồ voi hiện đại có kích thước đầy đủ đang hoạt động tại đây.
Một bản sao khác của đồng hồ voi đang được trưng bày tại Bảo tàng đồng hồ Le Locle ở Canton of Neuchâtel, Thụy Sĩ. Ngoài ra, còn một đồng hồ voi nữa ở Bảo tàng Khoa học và công nghệ Hồi giáo thuộc Đại học Khoa học và công nghệ King Abdullah ở Ả Rập Saudi.
Ismail al-Jazari (1136–1206) là một nhà thông thái Hồi giáo. Ông là nhà phát minh, kỹ sư cơ khí, nghệ nhân, họa sĩ và nhà toán học từ triều đại Artuqid của Jazira ở Mesopotamia. Ông nổi tiếng với tác phẩm: Sách kiến thức về các thiết bị cơ khí khéo léo viết vào năm 1206, trong đó mô tả 50 thiết bị cơ khí, cùng với hướng dẫn cách chế tạo chúng. Ngoài việc phát minh ra đồng hồ voi, al-Jazari còn là "cha đẻ của người máy (robotics)".
Bình luận (0)