Đây là hoạt động do nhóm cơm 1.000 đồng phối hợp UBND P.14 (Q.10, TP.HCM) thực hiện đều đặn suốt 6 năm qua với mong muốn ai cũng có tết.
Hạnh phúc là sẻ chia
Từ sáng sớm, khu vực tập trung đã rộn ràng tiếng cười nói của những "thợ gói bánh chưng". Họ đa phần là những gương mặt quen thuộc vì mỗi tuần đều cùng nhau nấu 2 bữa cơm 1.000 đồng giúp người khó khăn. Tết đến, cả nhóm hẹn nhau gói bánh chưng - biểu tượng mùa tết của người Việt - để gửi tặng người lao động nghèo, người ăn tết xa quê.
Xúm nhau gói tặng gần 1.000 bánh chưng để 'ai cũng có tết': Hạnh phúc là sẻ chia
Người rửa lá, người lau lá, người gói bánh, người cột dây, người có kinh nghiệm chỉ cho người mới… cứ vậy, những chiếc bánh vuông vức hoàn thiện được đặt gọn vào một góc trước khi mang đi nấu. Đam mê công tác xã hội, bà Lê Thị Ngọc Thủy, giáo viên nghỉ hưu Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), tham gia nhóm cơm 1.000 đồng hơn 7 năm trước và có trọn vẹn 6 năm gói 0 đồng. Bà Thủy cũng là người hướng dẫn cho những người trẻ cách gói bánh để ra được chiếc bánh đẹp, ngon, tỷ lệ nếp - nhân hài hòa.
"Ngày trước nhà tôi cũng gói bánh chưng ngày tết nhưng thấy cực quá nên không làm nữa. Nhưng giờ góp sức để hoàn thiện những chiếc bánh chưng 0 đồng tặng người khó khăn tôi lại thấy vui, không thấy mệt", bà bày tỏ.
Tất bật gói bánh, hướng dẫn mọi người cách xếp lá để tạo hình bánh đẹp, "thợ gói bánh" kỳ cựu Nguyễn Thụy Bích Nhung (38 tuổi, ngụ Q.10) cho hay cứ đến dịp gói bánh chưng là thấy "nôn" tết. "Tham gia gói và phát bánh, năm nào tôi cũng xúc động khi thấy niềm vui của những người lao động nghèo, bệnh nhân điều trị dài ngày được nhận bánh. Hạnh phúc chỉ đơn giản là sẻ chia và được nhìn thấy nụ cười của người nhận", chị bộc bạch.
Hương vị của tết
"Vui, hân hoan" cũng là cảm xúc của nhiều người khi lần đầu đến gói bánh chưng 0 đồng ở giữa thành phố. "Tôi chỉ rửa lá, cột dây đóng vai phụ thôi nhưng cũng rất hạnh phúc khi làm công việc này", chị Ngọc Lan (38 tuổi, ngụ Q.10) nói.
Là "khách quen" của bánh chưng 0 đồng và cơm 1.000 đồng, đang chậm rãi cầm xấp vé số đi ngang qua điểm gói bánh, ông Huỳnh Phúc Sang (52 tuổi, quê Quảng Ngãi) dừng chân lại hỏi thăm mọi người. Ông Sang bán vé số ở TP.HCM hơn chục năm qua lo cho 1 người con ăn học và 1 người bị bệnh thần kinh. Mỗi ngày, đi miệt mài dưới nắng bụi TP, ông bán hết 300 tờ, lời 300.000 đồng; trừ tiền nhà trọ, tiền ăn mỗi ngày ông còn hơn 100.000 đồng cất để dành cuối tháng chuyển về quê.
Ông bộc bạch năm nào ông cũng được nhóm tặng bánh chưng và vé về quê ăn tết, đi trên xe, ông mở bánh chưng ra ăn dọc đường mà xúc động vì tình cảm của những người TP dành cho mình.
Ông Vũ Quang Thức (54 tuổi, trưởng nhóm cơm 1.000 đồng) cho biết với mong muốn giúp mọi người có ngày xuân ấm áp, trọn vẹn, nhóm ông quyết định gói bánh chưng 0 đồng từ 6 năm trước. Từ 250 cái đầu tiên, năm nay, nhóm đã gói lên 800 cái với sự chung tay góp sức của nhiều người. Ông chia sẻ rất vui vì hoạt động này được lan tỏa, nhiều người hưởng ứng.
"Tôi vẫn nhớ hoài câu nói của người được nhận bánh là không có gì quý bằng cái bánh chưng ngày tết nên chúng tôi cố gắng duy trì liên tục", trưởng nhóm tâm sự.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ P.14, cho biết từ sáng sớm, nhiều hội viên cũng tập trung cùng gói bánh để chung tay giúp mọi người đều có tết. Trong số 800 bánh gói năm nay, địa phương dự kiến phát 66 bánh kèm 66 phần quà trị giá 500.000 đồng cho các trường hợp khó khăn. Số còn lại, nhóm cơm 1.000 đồng sẽ phát tặng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương, người khó khăn.
Bình luận (0)