Đồng lựa chọn ưu tiên sáng kiến đổi mới dịch vụ chăm sóc bệnh lao

12/09/2023 12:30 GMT+7

Dự án Tái định hình Dịch vụ chăm sóc bệnh lao (Re-Imagining TB Care - RTC) của Stop TB Partnership tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao tại Việt Nam.

Tiếp nối những thành công trước trong ứng dụng phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm, gần đây, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã chủ trì hội thảo "Đồng lựa chọn ưu tiên sáng kiến đổi mới dịch vụ chăm sóc bệnh lao" nhằm thiết kế một sản phẩm can thiệp đổi mới sáng tạo sẽ được triển khai vào năm 2024.

Tại buổi hội thảo, 19 danh mục sáng kiến đổi mới thuộc 5 lĩnh vực trọng điểm đã được đánh giá và lựa chọn ưu tiên dựa trên khả năng cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao trong chuỗi quy trình chăm sóc toàn diện. Kết quả cho thấy ba danh mục sáng kiến đổi mới có mức độ mong muốn và tính phù hợp, cũng như tiềm năng tác động cao là:

  1. Tìm kiếm ca bệnh chủ động sử dụng máy X-quang cầm tay và phần mềm có thể quét phim X-quang để phát hiện bất thường.
  2. Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng của bệnh lao mà không có bảo hiểm y tế.
  3. Hệ thống dữ liệu không giấy tờ mang lại lợi ích cho cán bộ y tế và người chịu ảnh hưởng của bệnh lao, giúp tập trung dữ liệu tại một địa điểm duy nhất.

Trong vòng 3 tháng tới, 3 danh mục này sẽ được đánh giá về tính khả thi để có thể triển khai tại Việt Nam. Sản phẩm cuối cùng sẽ được quyết định vào tháng 12.2023 trong hội thảo cuối của giai đoạn đầu dự án RTC.

Buổi hội thảo này chỉ là một ví dụ về cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm khi các quốc gia nắm quyền chủ động trong xác định những thách thức quan trọng nhất cần phải giải quyết và có sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định.

Dự án Tái định hình Dịch vụ chăm sóc bệnh lao (RTC) nhận được tài trợ từ Tổ chức Stop TB Partnership, Quỹ Phòng chống dịch bệnh toàn cầu - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ. Trong vòng 6 tháng qua, Dự án đã hợp tác chặt chẽ với Chương trình Chống lao Quốc gia để lấy ý kiến từ những cá nhân chịu ảnh hưởng bởi bệnh lao, các nhà hoạch định chính sách và cán bộ y tế để hiểu rõ nhu cầu và ưu tiên của các bên.

Vào tháng 6, Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) đã tiến hành khảo sát các dự án trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức và xác định 15 lĩnh vực trọng điểm mà chương trình chống lao có thể cải thiện. Hội thảo đầu tiên đã diễn ra vào tháng 7.2023 với sự tham gia của những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao, cán bộ y tế, và các cấp lãnh đạo của chương trình chống lao tại Việt Nam. Các bên liên quan đã đánh giá và thu hẹp danh sách này còn năm lĩnh vực ưu tiên để tiếp tục các bước hoạt động tiếp theo.

Hội thảo thứ hai được tổ chức ngày 8.9 đã tạo cơ hội cho khách mời khám phá và tương tác với các danh mục sản phẩm đổi mới đáp ứng các thách thức cụ thể của chương trình phòng chống lao. Đại biểu tham dự đã đánh giá nhu cầu và sự phù hợp của mỗi danh mục sáng kiến đổi mới, sự tương thích và khả năng giải quyết các thách thức đã được xác định.

Đồng lựa chọn ưu tiên sáng kiến đổi mới dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo CTCLQG, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm trong quá trình xây dựng một quy trình chăm sóc lao toàn diện: "Dự án RTC, với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, đặc biệt với đối tượng đích là nhóm bệnh nhân lao, nhóm người tiếp xúc với bệnh nhân lao và các tổ chức cộng đồng, đảm bảo các đối tượng tham gia dự án đều tham gia xây dựng, đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết của cộng đồng, của người bệnh và người nhà bệnh nhân".

Anh Nam, một người từng điều trị lao và cũng là thành viên của nhóm cố vấn dự án, đã chia sẻ: "Tại hội thảo, mình cảm thấy ý kiến của mình được đưa ra. Những trải nghiệm, những ý kiến của mình được tôn trọng và mình cảm thấy rằng chúng có giá trị".

TS Suvanand Sahu, Phó giám đốc Điều hành của Tổ chức Stop TB Partnership cho biết: "Chúng tôi rất hào hứng với trải nghiệm của Dự án RTC, nơi những người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trở thành trung tâm của quá trình xây dựng kế hoạch và đưa ra quyết định. Điều này là một đổi mới trong cách tiếp cận, đưa ý kiến của cán bộ y tế các cấp, cộng đồng và người mắc lao vào quá trình ra quyết định từ những bước đầu, thay vì chỉ đặt họ vào điểm cuối trong hệ thống khám chữa bệnh".

Đồng lựa chọn ưu tiên sáng kiến đổi mới dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 2.

Sáng kiến Tái định hình Dịch chăm sóc lao (RTC)

RTC là một sáng kiến toàn cầu nhằm xây dựng các chiến lược mới để cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của bệnh lao. Tại Việt Nam, FIT được chọn để thực hiện dự án và đã hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế, các nhà quản lý y tế, các nhà hoạch định chính sách, những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao để hiểu những khoảng trống tồn tại trong chăm sóc lao và tìm hiểu các sản phẩm/dịch vụ có thể được triển khai để cải thiện kết quả điều trị. Trọng tâm chính của dự án là thiết kế lấy con người làm trung tâm, thay đổi thời gian, địa điểm và cách thức tiếp cận dịch vụ ở Việt Nam, mang dịch vụ chăm sóc bệnh lao đến gần người dân hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tất cả các cá nhân đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc.

Để biết thêm về Sáng kiến RTC toàn cầu, vui lòng truy cập: https://www.stoptb.org/accelerate-tb-innovations/re-imagining-tb-care

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.