Động lực mới từ trung tâm tài chính quốc tế

05/01/2025 07:00 GMT+7

Sáng 4.1 tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ về ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại VN.

Khẳng định vị thế VN trên bản đồ tài chính

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết TP.HCM và Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế, được đánh giá là một trong những TTTC mới nổi, trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Việc xây dựng TTTC thành công sẽ giúp đất nước kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, giúp thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế...

Trong kế hoạch hành động, Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo liên ngành về TTTC khu vực và quốc tế do Thủ tướng Phạm Minh Chính là trưởng ban và 6 phó trưởng ban.

Động lực mới từ trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

Trung tâm tài chính quốc tế còn là sự khẳng định vị thế của VN trên bản đồ tài chính

ẢNH: ĐỘC LẬP

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá việc thành lập TTTC quốc tế tại TP.HCM là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của T.Ư, sự cam kết mạnh mẽ trong xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững. "TTTC quốc tế không chỉ là dự án phát triển kinh tế mà còn là sự khẳng định vị thế của VN trên bản đồ tài chính", ông Nên nhận định.

Ông Nên cho biết TP.HCM sẽ nghiên cứu mở rộng quy hoạch gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành, đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Song song đó, địa phương cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các định chế tài chính lớn... phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững.

Kênh huy động vốn quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có việc hình thành TTTC quốc tế. Đất nước muốn đột phá cần nguồn nhân lực, vốn rất lớn và thị trường tài chính, các TTTC là kênh huy động vốn quan trọng. Thủ tướng phân tích nếu muốn tăng trưởng từ 8% trở lên, thậm chí là tăng trưởng 2 con số thì tổng đầu tư phải chiếm từ 45 - 50% GDP. Hằng năm, đất nước cần lượng vốn lớn cho phát triển hạ tầng chiến lược như hoàn thành 3.000 km cao tốc, 1.000 km đường ven biển, các dự án đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng, ước tính từ 4 - 5 triệu tỉ đồng.

Khẳng định VN có đủ điều kiện thành lập TTTC quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập TTTC tại TP.HCM và TP.Đà Nẵng là công việc tất yếu, là yêu cầu khách quan trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Về các công việc trọng tâm sắp tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.2025. Thủ tướng đánh giá đây là công việc khó, mới, rất phức tạp nhưng không thể không làm.

Thủ tướng lưu ý cần "Việt Nam hóa" những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực TTTC, học hỏi các mô hình quốc tế để triển khai phù hợp với điều kiện đất nước. Song song đó, Thủ tướng cũng lưu ý chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng, quản lý công việc, sự thống nhất của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Đối với TP.HCM và Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị 2 địa phương nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chú trọng phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuyển giao công nghệ, quản trị thông minh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đồng tình, ủng hộ sát cánh cùng 2 thành phố trong việc xây dựng văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý. Thủ tướng cũng mong muốn các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất chính sách, hỗ trợ tìm nguồn lực tài chính và con người, góp phần đẩy nhanh việc hình thành TTTC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.