Lệ Thủy
Gạo lứt và gạo huyết rồng là một?
Sai. Gạo lứt có nguồn gốc từ tất cả các loại gạo thông thường nhưng được xay sơ, chỉ vừa mới bóc đi lớp vỏ trấu, vẫn còn lớp cám bao bọc bên ngoài nên có màu nâu, bẻ đôi hạt gạo thấy lõi trắng bên trong, nếu giã sạch lớp cám này sẽ cho ra gạo trắng, loại chúng ta ăn hằng ngày.
Gạo huyết rồng là giống lúa sạ được trồng ở vùng nước ngập sâu, vũng lũ miền Tây, hạt lúa mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, gạo nấu cơm thơm ngậy. Vì chỉ mới xay sơ nên gạo lứt còn giữ lại lớp cám chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin E, B1, B3, B6, Mg, Mn, chất xơ, chất sắt. Ở loại gạo trắng, qua quá trình xay giã kỹ sẽ mất 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, 50% Mn.
Gạo lứt và gạo huyết rồng đều có tác dụng chữa bệnh tiểu đường?
Sai. Vì chất xơ nhiều nên gạo lứt thuộc loại gạo có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình, phù hợp với người bệnh đái tháo đường và những ai bị béo phì cần ăn kiêng để giúp tiêu hóa chậm, làm tăng đường huyết từ từ, ổn định đường huyết. Gạo huyết rồng lại có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao (chỉ số đường huyết của gạo huyết rồng là 75,1), hoàn toàn không phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường, vì nếu dùng thường xuyên sẽ làm mất ổn định đường huyết, làm bệnh nhân nhanh xuất hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hay được dùng làm bột dinh dưỡng cho trẻ em.
Sử dụng gạo lứt và gạo huyết rồng để chữa được các bệnh?
Sai. Vì theo phong trào, nên nhiều người chỉ ăn duy nhất gạo lứt, gạo huyết rồng nhằm chữa bách bệnh, đó là cách nói thổi phồng, không có cơ sở. Bởi một lẽ đơn giản là có rất nhiều bệnh tật và do nhiều nguyên nhân gây ra, cách chữa trị và dùng thuốc cũng thiên hình vạn trạng, nên không thể có chuyện gạo lứt, muối mè, gạo huyết rồng chữa được bách bệnh. Cách hiểu đúng nhất hiện nay là ăn gạo lứt với muồi mè có thể phòng ngừa và chữa trị chứng rối loạn chuyển hóa như chứng máu cao, mỡ nhiễm máu, xơ vữa động mạch, do đó tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường và các bệnh về tim mạch. Còn gạo huyết rồng “độc đáo” hơn do lớp vỏ cám trên hạt gạo huyết rồng dày hơn so với các loại gạo lứt khác. Trên lớp cám ấy có chứa một số chất dinh dưỡng và khoáng chất giúp phòng chóng các bệnh ung thư phổi và ung thư đại tràng. Ngoài ra, gạo lức huyết rồng là nguồn cung Magne và Vitamin D dồi dào, đó là 2 yếu tố chính giúp xương chắc khỏe bên cạnh canxi. Từ 25 tuổi trờ đi, chúng ta sẽ đi vào giai đoạn có thể bị mất xương do thiếu canxi, magne và vitamin D.
Gạo lứt và gạo huyết rồng đều có tác dụng giảm cân?
Đúng. Gạo lứt huyết rồng được xem như một món ăn chơi low-carb, giúp bạn kiểm soát và duy trì cân nặng và ăn kiêng do có nhiều chất xơ và hàm lượng glycemic thấp hơn gạo trắng bình thường. Điều này giúp bạn duy trì được hàm lượng đường trong máu cao trong thời gian dài hơn, cho bạn cảm giác lâu đói hơn và giảm được ăn vặt (nguyên nhân chính gây tăng cân ngoài ý muốn). Hàm lượng chất xơ có trong gạo lứt gấp 2 lần so với gạo thường, nên cơ thể bạn sẽ tiêu hóa chậm hơn và mang lại cảm giác no lâu. Đây chính là nguyên nhân quan trọng giúp bạn không có cảm giác thèm ăn vặt. Chất xơ từ gạo lứt khi đi qua đường ruột sẽ cuốn theo những chất độc bám cặn lâu ngày và thải độc theo đường bài tiết. Đó là lí do tại sao khi ăn cơm gạo lứt, bạn có cảm giác bụng rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Sau một thời gian thấy số đo giảm đi đáng kể.
Cả hai loại có cách nấu cơm như nhau?
Sai. Với gạo lứt ăn rất cứng, cần phải nấu lâu mới chín, nhai kĩ. Muốn nấu phải ngâm nước vài tiếng đồng hồ rồi cho vào nồi hầm điện để lâu mới mềm ra cho dễ ăn. Để tốt cho cơ miệng và hệ tiêu hóa, bạn nên ngâm gạo lứt từ tối đến sáng rồi hãy vớt ra nấu. Vì đặc điểm như vậy nên khi ăn bạn phải nhai thật kỹ cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ gây ra chứng khó tiêu. Vì cơm gạo lứt không thể ăn nhanh nên tiêu thụ ít hơn, cảm giác no lâu hơn. Còn gạo huyết rồng, do giống gạo không cứng, nên có thể nấu mà không cần ngâm gạo trước, ăn thơm ngon, dẻo và bùi, càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi.
Có thể ăn hai loại cơm này hằng ngày?
Sai. Vì gạo lứt chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, nên chúng ta vẫn cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như đạm, chất khoáng. Gạo lứt, dù chứa nhiều chất xơ và hàm lượng B1 nhưng cũng không thể nào bằng rau xanh, trái cây. Nếu muốn tận dụng được tác dụng của những thành phần đó, chúng ta cần phải ăn với số lượng rất nhiều. Hơn nữa, vitamin B1 dễ hòa tan trong nước, nên trong quá trình sử dụng nếu ngâm quá lâu hoặc vo gạo kỹ, lượng vitamin đó sẽ không còn. Trẻ em, người cao tuổi, thể trạng yếu, gầy gò, đang mang thai, cần bồi bổ sức khỏe không nên ăn gạo lứt thường xuyên, gây suy giảm sức khỏe, thiếu chất, vitamin. Với gạo huyết rồng do còn nguyên vỏ cám, nên có giá trị dinh dưỡng cao, được xem là chất tinh bột bồi bổ cơ thể. Gạo huyết rồng thích hợp cho người cần phục hồi sức khỏe, người già, trẻ em, phụ nữ…Tuy nhiên cả hai loại gạo này chỉ 2 - 3 lần / tuần bởi dùng thường xuyên không mang nhiều lại lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng.