Đồng minh lo lắng gì về cuộc phản công của Ukraine?

Đồng minh lo lắng gì về cuộc phản công của Ukraine?

03/09/2023 19:35 GMT+7

Các đồng minh của Ukraine lo ngại cuộc xung đột sẽ bị kéo dài và có thể xoay chuyển theo hướng có lợi cho Nga trong khi hy vọng về một bước đột phá của Kyiv trong năm nay dần mờ nhạt.

Hơn 2 tháng từ khi mở cuộc phản công, Ukraine mới chỉ đạt những bước tiến chiến thuật trước lớp phòng thủ dày đặc của lực lượng Nga, theo Bloomberg.

Ukraine đã tung vào chiến dịch nhiều đơn vị được phương Tây huấn luyện và trang bị. Đạn chùm do Mỹ cung cấp đã giúp Kyiv đẩy lùi lực lượng Nga và vượt qua lớp phòng thủ thứ nhất tại một số khu vực.

Tuy nhiên, việc duy trì viện trợ đang ngày càng khó khăn hơn tại Mỹ. Cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tuần trước cho thấy sự mâu thuẫn ngày càng tăng trong đảng về việc gửi viện trợ cho Ukraine.

Giới chức châu Âu lo ngại khi đường đua bầu cử tại Mỹ nóng lên vào năm sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ thúc đẩy Kyiv ngồi vào bàn đàm phán dù chưa đạt tiến triển lớn trên chiến trường. Sự ủng hộ của Mỹ đóng vai trò thiết yếu vì châu Âu thì không đủ năng lực quân sự để củng cố lực lượng Ukraine.

Kho đạn dược của Mỹ và phương Tây đã cạn, mà việc tăng sản xuất vũ khí sẽ chưa thể tiến hành trước cuối năm 2024. Chiến đấu cơ F-16 cũng chỉ có thể được giao vào năm sau. Thời gian để Ukraine thực hiện chiến dịch lớn đang cạn dần khi mùa thu đến mang theo thời tiết ẩm và lạnh.

Nhà nghiên cứu Samantha de Bendern tại Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Hoàng gia (Anh) dự báo Ukraine sẽ rất vất vả nếu chiến sự rơi vào bế tắc vào mùa đông. Bà Bendern cho rằng khi đó "sẽ có tâm trạng mệt mỏi. Mỹ sẽ bớt quan tâm đến điều đang diễn ra tại Ukraine và người châu Âu sẽ ngày càng khó thuyết phục được người Mỹ rằng Ukraine là vấn đề của người Mỹ".

Lợi thế của Nga

Sau khi cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí hiện đại và hỗ trợ huấn luyện tân binh, Mỹ và châu Âu hồi đầu năm nay lạc quan về khả năng thành công của cuộc phản công. Tuy nhiên, Bloomberg dẫn các tài liệu và đánh giá của nhiều quan chức giấu tên cho biết phương Tây đang phải thừa nhận rằng ngay cả vũ khí tiên tiến và thay đổi chiến thuật cũng không đủ để nhanh chóng đánh bại Nga.

Việc thiếu yểm trợ trên không đã khiến Ukraine gặp tổn thất nặng trong những tuần phản công đầu tiên. Kyiv buộc phải đổi chiến thuật, tổ chức tấn công tầm xa nhắm vào pháo binh và hậu cần của Nga và tung bộ binh thăm dò khắp mặt trận rộng lớn. Cuộc phản công vì vậy có lúc tưởng chừng đã bế tắc.

Ukraine mới đây đạt bước tiến chiến thuật đáng kể sau khi kiểm soát làng Robotyne. Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ, bước tiến này giúp lực lượng Kyiv vượt qua được những khu vực rải mìn dày đặc nhất.

Tuy nhiên, các bãi mìn rộng lớn và sức mạnh trên không của Nga vẫn là thách thức lớn đối với cuộc phản công của Ukraine.

Theo giới chức phương Tây, giới lãnh đạo Kremlin đánh giá rằng một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài sẽ mang lại lợi thế cho Nga. Tuy Nga có thể khó đạt được mục tiêu huy động 400.000 tân binh trong năm nay, nhưng số lượng binh sĩ mới vẫn là rất đáng kể. Bên cạnh đó, Moscow được cho là đã tìm được cách lách qua hàng rào cấm vận của phương Tây để tiếp tục trang bị đủ vũ khí cho ít nhất một năm xung đột nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.