Các trường chủ động đề xuất căn cứ vào số giáo viên, học sinh là F0
Sở GD-ĐT mới có văn bản đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục bám sát diễn biến của dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho các khối từ lớp 7 đến lớp 12.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng khi được đi học, gặp gỡ bạn bè |
đậu tiến đạt |
Sở GD-ĐT Hà Nội giao phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND cấp huyện trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết sau khi nhận được văn bản này, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường rà soát các trường hợp học sinh, giáo viên là F0, F1 để làm căn cứ đề xuất việc cho học sinh lớp 7 đến lớp 9 đi học. Trên cơ sở đề xuất cả các trường, phòng GD-ĐT sẽ báo cáo UBND quận phê duyệt.
Cũng theo bà Hằng, chỉ đạo của UBND thành phố và sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy sẽ không đóng - mở cửa trường theo cấp độ dịch như trước mà căn cứ vào số ca nhiễm của từng trường để có đề xuất phù hợp.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cũng cho biết từ sau ngày 5.3, thành phố không công bố cấp độ dịch của từng phường, xã trên địa bàn hàng tuần như trước nữa nên trường đã có văn bản gửi UBND Q.Hoàn Kiếm (địa bàn trường đóng) để đề xuất và xin ý kiến về việc cho toàn bộ học sinh đi học trở lại từ tuần tới, trừ những trường hợp học sinh là F0, F1.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cũng cho rằng việc thay đổi từ đóng - mở cửa trường theo cấp độ dịch sang việc trao quyền chủ động đề xuất cho các trường căn cứ vào tình hình dịch bệnh của chính trường đó là phù hợp và sát thực tế hơn cả.
Hiệu trưởng một trường tư thục cho hay trường phải đóng cửa mấy tuần qua do đóng trên địa bàn cấp độ dịch “màu cam” nhưng thực tế học sinh lại sinh sống ở các nơi an toàn hơn, hàng ngày được đưa đến trường bằng hệ thống xe bus đưa đón của trường với quy trình khép kín. Do vậy, nên để các trường đề xuất về phương án dạy học trực tuyến hay trực tiếp là hợp lý.
Phụ huynh, học sinh sẽ không quá lo lắng như trước nữa?
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, sau khi mở cửa trường từ sau nghỉ tết, những tuần đầu số học sinh đi học đạt tới gần 90%, nhưng sau đó vì số F0 tăng cao nên trước khi trường đóng cửa vì nằm trên địa bàn dịch cấp độ 3, số học sinh đi học chưa đầy 50%.
"Với số ca nhiễm là học sinh và giáo viên giảm như hiện nay, tôi tin rằng mở cửa trường từ tuần sau sẽ đạt mức 80 - 90% học sinh đi học", bà Quỳnh chia sẻ.
Các trường hy vọng từ tuần sau sẽ có những lớp học "đầy ắp" học sinh |
đậu tiến đạt |
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nhận định qua quan sát thì thấy học sinh là F0 đến thời điểm này đã giảm rất nhiều, tâm lý phụ huynh, học sinh cũng khá lên nên dự kiến khi được phép đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại sẽ đạt khoảng 90%.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết đang rất hy vọng với số F0 giảm như những ngày gần đây, từ tuần tới số học sinh được đến trường sẽ cao hơn nhiều so với con số chỉ khoảng 50% cách đây một vài tuần. Học sinh đi học sẽ duy trì nề nếp ổn định hơn, không biến động liên tục như trước nữa.
Trước đó, ngày 17.3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo TP.Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, tuần qua tỷ lệ giáo viên và học sinh F0 giảm mạnh. Tình hình dạy học trực tiếp tại các trường vẫn áp dụng theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của thành phố và ngành giáo dục.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu Sở GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số ca mắc để chủ động quyết định việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 - 12 phù hợp tình hình mới.
Bình luận (0)