Đồng Nai bỏ chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ

Lê Lâm
Lê Lâm
10/07/2020 15:45 GMT+7

HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo bác sĩ t heo địa chỉ.

Sáng 10.7, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX (2016 - 2021) bước sang ngày thứ 3 (ngày cuối cùng). Tại phiên họp này, HĐND tỉnh đã thông qua 22 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.
Trước đó, vào tháng 7.2014, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết về việc đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng. Qua 6 năm triển khai, tổng cộng đã có 353 thí sinh được đưa đi đào tạo, và đã có 181 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế tốt nghiệp, sau đó được phân công về những đơn vị, địa phương còn thiếu hụt nhiều bác sĩ, góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ/ vạn dân của tỉnh từ 6,7 lên 8,2 trong giai đoạn vừa qua.
Trong số này có 56 trường hợp vi phạm cam kết (chiếm tỷ lệ 31%), không chấp hành phân công công tác, sẵn sàng đền bù kinh phí đào tạo để nghỉ việc, thậm chí có trường hợp không đền bù. Ngoài ra còn có 17 trường hợp bị buộc thôi học, xin thôi học.

Hiện còn 154 thí sinh được cử đi đào tạo ngành y tại Trường đại học Y dược Cần Thơ và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM

Ảnh: Lê Lâm

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cuối năm 2019 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Đồng Nai chấm dứt việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, vì theo quy định việc hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ chỉ áp dụng cho các tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, UBND trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo theo địa chỉ, để phù hợp với tình hình thực tiễn.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay vẫn còn 154 thí sinh được cử đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng từ năm 2019 trở về trước đang học tập tại Trường đại học Y Dược Cần Thơ và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Đối với những trường hợp này, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ học phí cho đến khi tốt nghiệp và phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định nếu vi phạm cam kết.
Đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng nghĩa là: chọn những thí sinh dự thi vào ngành y có điểm cao nhưng không trúng tuyển, tỉnh gửi đi đào tạo ở các trường. Mọi chi phí tỉnh lo hết, nhưng các thí sinh này phải làm cam kết, sau khi tốt nghiệp phải phục vụ trong các cơ sở y tế công lập của tỉnh một khoảng thời gian. Nếu ai không đồng ý công tác theo sự phân công, hoặc công tác theo phân công nhưng chưa đủ thời gian mà xin nghỉ thì phải đền bủ chi phí đào tạo.   
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.