Đồng Nai phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Lê Lâm
Lê Lâm
10/05/2018 12:25 GMT+7

Gần 700 ha vùng nước lợ ở Nhơn Trạch vừa được UBND tỉnh Đồng Nai chọn làm nơi phát triển nuôi tôm công nghệ cao.

Theo đó, dự án “Khu nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch” vừa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt có diện tích 703 ha được quy hoạch gồm khu nuôi tôm nước lợ thuộc xã Phước An và Vĩnh Thanh với diện tích 682 ha (chia thành 5 tiểu vùng, diện tích tối thiểu 50 ha/tiểu vùng) và khu nuôi hàu có diện tích 21 ha (343 bè) bố trí trên sông Bà Hào và sông Gò Gia.
Tập trung phát triển tôm công nghệ cao
Vào năm 2015, ông Nguyễn Trường Đại (xã Vĩnh Thanh) đầu tư trong chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao bằng cách lót bạt ni-lông ở đáy ao và làm lưới lan che phía trên không gian ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động… “ Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Mỗi năm, tôi nuôi được từ 4-5 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn”, ông Đại so sánh. Gần đó, vào năm 2016, HTX nuôi tôm công nghệ cao Phước An (xã Phước An) cũng đã được thành lập thu hút nhiều xã viên ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch cho hay, hiện tại trên địa bàn có khoảng 1.700 ha diện tích mặt nước lợ phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. “Thực tế, tại đây cũng đã phát triển nghề nuôi tôm nhưng do manh mún, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật cao nên không đạt hiểu quả nhiều, diện tích vì vậy ngày càng thu hẹp. Tính từ năm 2010 đến nay diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện giảm gần 400 ha”, ông Nhân cho biết.
Mục tiêu đặt ra của dự án, đến năm 2020 sản lượng tôm đạt 16.100 tấn, hàu 2.000 tấn, tổng giá trị 2.457 tỉ đồng; đến năm 2030 sản lượng tôm tăng lên 30.600 tấn, hàu giữ mức 2.100 tấn, tổng giá trị 4.632 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án “Khu nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch” được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của H.Nhơn Trạch, thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy mà trong 682 ha quy hoạch nuôi tôm, dự án dành đến 602 ha để nuôi tôm theo công nghệ cao. Cụ thể tôm được nuôi siêu thâm canh theo công nghệ CP và công nghệ nhà màng, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này cũng phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Chuyển giao công nghệ cho nông dân
Theo đề án, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho H.Nhơn Trạch làm đầu mối kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thủy sản tập trung (khoảng 226 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp gần 1,1 tỉ đồng), kinh doanh, khai thác qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đối tượng được tham gia bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên đối với các nhà đầu tư có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực và thị trường sẵn có.
Ông Nguyễn Văn Nhân cho biết hiện tại huyện đã thỏa thuận giới thiệu địa điểm 50 ha tại xã Phước An cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (thuộc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai) để triển khai dự án nuôi tôm siêu thâm canh.
“Mục tiêu của dự án là xây dựng khu thực nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Khi có kết quả tốt trung tâm sẽ thực hiện chuyển giao và nhân rộng mô hình đến người dân nhằm hình thành vùng sản xuất chuyên canh tôm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Nhân cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.