Trước tình trạng khai thác đá tràn lan làm ảnh hưởng môi trường và hư hại đường sá trên địa bàn, vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thành lập đoàn giám sát việc quản lý khai thác đá trên địa bàn.
Người dân bức xúc chặn đưởng không cho xe tải ra vào mỏ đá vì cày nát đường giao thông
|
Theo báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 43 mỏ khai thác khoáng sản với diện tích 1.692 ha (6 mỏ do Bộ TN-MT cấp phép, 37 mỏ do UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép), trong đó nhiều nhất là mỏ đá xây dựng (31 mỏ). Ngoài ra còn có 35 mỏ đá hết hạn khai thác nhưng được phép tận thu, và cải tạo kết hợp tận thu. Có 30 mỏ đã ký quỹ phục hồi môi trường với tổng số tiền 38,5 tỉ đồng.
|
5 năm chỉ đóng cửa được 5 mỏ đá
Vấn đề cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, báo cáo của Sở TN-MT cho biết từ năm 2010 đến nay, Sở đã thẩm định và trình UBND tỉnh đóng cửa 14 mỏ, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 5 mỏ ngưng hoạt động.
Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó trưởng Ban Kinh tế -Ngân sách HĐND cho rằng, từ năm 2010 đến nay mà chỉ có 5/14 mỏ hết hạn khai thác phải đóng cửa là quá chậm. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thì lo lắng: “Các chủ mỏ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác nhằm lấy lại tiền ký quỹ môi trường, nhưng số tiền để phục hồi môi trường cao gấp nhiều lần số tiền ký quỹ nên họ chẳng mặn mà gì để làm, trừ khi có can thiệp của các cơ quan quản lý”. Về việc các mỏ được phép cải tạo kết hợp tận thu, Bà Hiền đặt câu hỏi: “Người ta có cải tạo thực chất không, hay chỉ đơn thuần là tận thu?”.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Về quy định đóng cửa mỏ, hiện nay chưa có quy định rõ thời gian phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ bao giờ phải xong nên chúng tôi rất khó xử lý”?!.
Theo ông Thường, hầu hết các mỏ đá sau khi khai thác đều được dùng làm hồ chứa nước. Về giải pháp xây dựng khu dân cư, quy hoạch du lịch trên diện tích mỏ đá đã khai thác, Sở cũng đã nghiên cứu nhưng việc thực hiện khó khăn, không có DN nào đầu tư. “Duy nhất chỉ có mỏ đá Hóa An được DN đăng ký xây dựng khu dân cư và trung tâm thương mại nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy”, ông Thường cho hay.
Bàn về chuyện hậu khai thác, ông Hoàng Văn Dung, Đại biểu HĐND phân tích: “Khu vực Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) hiện diện tích khai thác đá lên đến 300 ha, sau 10 năm thành một cái ao khổng lồ. Tính về hiệu quả kinh tế nếu số đất này mà để sử dụng vào mục đích khác thì hiệu quả cao hơn rất nhiều lần”.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Ủy viên thường trực HĐND đặt câu hỏi: “Tính trung bình một mỏ đá mỗi năm nộp ngân sách từ 18-20 tỉ đồng, số tiền này liệu có đủ để bù vào chi phí sữa chữa đường sá hư hại, xuống cấp do hoạt động vận chuyển đá gây ra hay không? Hồ chứa nước 300 ha ở Tân Cang sau khai thác dùng để chứa nước, nhưng nước đó sử dụng vào mục đích gì?”. Theo ông Tuấn, cần coi lại nhu cầu sử dụng đá trên địa bàn, tính toán làm sao trong chừng mực nào đó thôi để phát triển bền vững.
Bình luận (0)