Đông Nam Á cạnh tranh đón các 'ông lớn' bán dẫn

17/07/2023 07:00 GMT+7

Được đánh giá là điểm đến khả quan, nhưng các nước Đông Nam Á vẫn bị xem là còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đạt mục tiêu thu hút đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt trong ngành bán dẫn.

Mới đây, truyền thông quốc tế dẫn thông báo từ Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) cho hay đã quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chíp trị giá đến 19,4 tỉ USD tại Ấn Độ. Trong khi đó, Foxconn gần đây vẫn khẳng định tiếp tục tập trung kế hoạch đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á. Chính vì thế, nhiều ý kiến nhận định Foxconn có thể sẽ sớm đầu tư thêm việc sản xuất chíp ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á cạnh tranh đón các 'ông lớn' bán dẫn - Ảnh 1.

Sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên)

Phạm Hùng

Từ ưu thế

Thời gian qua, Đông Nam Á vẫn được đánh giá cao về tiềm năng là điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn giữa xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là đối với lĩnh vực linh kiện bán dẫn. Trong danh sách 14 nước tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ phát động, có đến 7 thành viên của khối ASEAN. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu là một trong các định hướng quan trọng của IPEF.

Ngày 12.7, tờ Nikkei Asia đưa tin Nhật Bản đang tìm cách tăng cường hợp tác với ASEAN về việc phát triển các chuỗi cung ứng, bao gồm cả lĩnh vực đất hiếm, linh kiện bán dẫn.

Các nước ASEAN cũng dần chiếm thị phần cao trong tổng lượng chíp bán dẫn mà Mỹ nhập khẩu. Theo Bloomberg, trong tháng 4.2023, Mỹ nhập khẩu lượng chíp có tổng trị giá khoảng 4,7 tỉ USD. Trong đó, danh sách 10 nền kinh tế mà Mỹ nhập khẩu chíp có giá trị nhiều nhất thì có đến 5 nước ASEAN với tổng thị phần lên đến 47,8%. Tính chung, Malaysia xếp thứ nhất với 21% thị phần, Đài Loan xếp thứ 2 với 14,4% thị phần và VN xếp thứ 3 với 10,9%.

Theo tờ South China Morning Post, VN cùng với Indonesia và Thái Lan đang đóng vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng ngành ô tô điện và khu vực này sẽ bắt đầu nổi bật hơn trong một số phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Đầu năm nay, tờ Nikkei Asia đưa tin Tập đoàn Dell, chuyên sản xuất máy tính của Mỹ, đặt mục tiêu ngừng sử dụng chíp sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024. Ngoài chíp, Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện khác như mô đun điện tử và bảng mạch in, cũng như các nhà lắp ráp sản phẩm giúp chuẩn bị năng lực ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, như VN.

Đông Nam Á cạnh tranh đón các 'ông lớn' bán dẫn - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg - Đồ họa: Bảo nguyễn

Đến thách thức

Trả lời Thanh Niên mới đây, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) phân tích: "Lâu nay, việc sản xuất chíp chủ yếu chỉ diễn ra ở một số nền kinh tế. Trong đó, Đài Loan sản xuất chíp tiên tiến và Trung Quốc đại lục đứng sau Đài Loan cả về giá trị và mức độ tiên tiến. Việc đóng gói chíp chủ yếu được thực hiện ở Trung Quốc, nhưng cũng dần đa dạng hóa nguồn thực hiện sang ASEAN và các nơi khác. Việc sản xuất chíp sử dụng nhiều lao động, nên ngành này đang có xu thế chuyển đến những nơi có chi phí nhân công thấp. Tất nhiên, máy móc, robot cần được cải tiến để giảm hàm lượng lao động trong ngành này".

Tờ South China Morning Post dẫn một số phân tích cho biết để phát triển hơn nữa vị thế trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn nói riêng hay chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, các nước Đông Nam Á cần cải thiện nhiều vấn đề như: nguồn điện để cung cấp cho hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, nhân lực…

Liên quan vấn đề này, trả lời Thanh Niên, GS Dapice từng đánh giá: "Nếu chỉ một vài quốc gia trong ASEAN thì không thể đủ sức tiếp nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc". Chính vì thế, ông cho rằng ASEAN cần phối hợp với nhau để cùng xây dựng chung một chuỗi cung ứng.

Thực tế, theo tờ South China Morning Post, Singapore và Malaysia được cho là đang xem xét khôi phục một dự án đường sắt cao tốc kết nối hai bên. Campuchia cũng đang muốn tận dụng vị trí của nước ở vịnh Thái Lan và các kết nối đường bộ tới các quốc gia Đông Nam Á khác để trở thành một trung tâm hậu cần cho khu vực. Indonesia cũng tiết lộ muốn tham gia cùng Campuchia trong tiến trình này.

Và nguồn đầu tư trong nội khối ASEAN được đánh giá có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng của các nước Đông Nam Á. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.