Indonesia có 7 HCV đều là môn cầu lông, Việt Nam và Singapore đều có 1 HCV tại Olympic Rio 2016 môn bắn súng và bơi lội, còn Malaysia có 3 HCB và Philippines 7 HCB.
Nếu Thái Lan có 42 VĐV tranh tài ở 14 môn từng giành 2 tấm HCV và đều đến từ cử tạ thì lần này dù đội tuyển cử tạ của họ bị cấm thi đấu vì có VĐV dính doping, nhưng người Thái vẫn hy vọng họ vượt qua cột mốc 2 HCV với hy vọng lớn nhất đặt vào các ngôi sao Panipak Wongpattanakit (taekwondo), Paphangkorn Tavatanakit (golf), Dechapol Puavaranukroh và Sapsiree Taerattanachai (đôi nam nữ cầu lông), Sutiya Jiewchaloemmit (bắn súng) và Setisan Panmod, Chatceondee, Sudaporn Butdees (boxing).
Trong khi đó Indonesia từng giành 1 HCV cầu lông đôi nam nữ và 2 HCB cử tạ cũng đưa ra chỉ tiêu tái lập thành tích này. Họ có 28 VĐV tranh tài 8 môn, đông nhất vẫn là cầu lông với 11 VĐV, cử tạ 5 VĐV và sẽ tập trung vào 2 môn này. Đặc biệt Indonesia cũng duy trì mức thưởng cao dành cho HCV với mức 746.000 USD (hơn 17 tỉ đồng), HCB và HCĐ lần lượt là 378.000 USD và 188.000 USD. Singapore có 23 VĐV dự thi 11 môn, chủ yếu vẫn nhắm vào 3 môn thế mạnh là bơi, bóng bàn và sailing. Tại Olympic Rio 2016, Singapore từng có HCV bơi lội do Schooling giành được, nhưng lần này với nhiều thay đổi khả năng tái lập đó không cao.
Với Malaysia, họ có 30 VĐV của 10 môn từng giành 4 HCB và 1 HCĐ tại Rio, trong đó có 3 HCB đến từ cầu lông và còn lại là nhảy cầu. Nhưng lần này kỳ vọng có HCV của họ đặt vào cua rơ xe đạp lòng chảo Azizulhasni Awang từng vô địch thế giới năm 2017. Còn Philippines có 19 VĐV tranh 11 môn, họ đặt niềm tin vào đô cử Hidilyn Diaz - người từng đoạt HCB Olympic Rio 2016, golfer Yuka Saso - vô địch Mỹ mở rộng 2021, nữ võ sĩ boxing Nesthy Petecio từng vô địch thế giới 2019 hay Carlos Yulo - nhà vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2019. Philippines cũng đưa ra mức thưởng 20 triệu peso (khoảng 9,2 tỉ đồng) cho HCV nhằm giải cơn khát mà họ chưa có.
Bình luận (0)