|
Theo tạp chí The Diplomat, trong vòng 5 năm đến một thập niên tới, các vùng biển Đông Nam Á và đặc biệt là biển Đông sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể việc triển khai tàu ngầm phi hạt nhân của các nước trong vùng nhằm phục vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền và ứng phó các diễn biến mới trong khu vực. Giới phân tích nhận định việc xây dựng lực lượng tàu ngầm hiện đại thiện chiến sẽ bổ sung một khía cạnh trong năng lực đối phó xung đột của các quốc gia sau không quân, lục quân, hải quân. Các tàu ngầm có thể thực hiện sứ mệnh trinh sát, thu thập tin tức tình báo, rải mìn, tác chiến chống tàu và tấn công tầm xa.
Kilo đắt hàng
Ngày 3.1.2014, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của hải quân Việt Nam đã vào quân cảng Cam Ranh. Tàu HQ182 Hà Nội được vận chuyển từ cảng St.Petersburg (Nga) trên tàu Rolldock Sea. Năm chiếc còn lại trong hợp đồng trị giá 3,2 tỉ USD ký hồi năm 2009 của Dự án 636 sẽ được chuyển giao cho Việt Nam từ đây đến năm 2016.
Theo RIA-Novosti, hợp đồng bao gồm huấn luyện đội ngũ vận hành, xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, cũng như chuyển giao vũ khí và các trang thiết bị chuyên dùng khác. Nằm trong chương trình hợp tác quốc phòng song phương, Ấn Độ cũng sẽ giúp đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Trong khi đó, theo The Diplomat, từ năm 2012, Bộ Quốc phòng Indonesia đã có kế hoạch mở rộng đội tàu ngầm của nước này lên 12 chiếc vào năm 2020. Giới tướng lĩnh và chuyên gia hoạch định chiến lược Indonesia đánh giá 12 chiếc là số lượng tối thiểu cần có để bao quát những “yết hầu” hoặc tuyến đường hàng hải chiến lược của nước này. Jakarta đã đặt hàng 3 tàu ngầm U-209 do Hàn Quốc và Indonesia hợp tác chế tạo, dự kiến chuyển giao vào năm 2015 và 2016. Indonesia cũng đang để mắt đến tàu Kilo của Nga. Hãng thông tấn Antara đưa tin một phái đoàn do Tham mưu trưởng hải quân Marsetio dẫn đầu sẽ sang Nga trong tháng 1 để khảo sát tàu ngầm Kilo cùng những loại vũ khí liên quan. Indonesia đánh giá cao Kilo do loại tàu này có thể được trang bị tên lửa siêu thanh Yakhont hoặc tên lửa hành trình Klub-S, vốn có thể phóng từ dưới nước và tấn công các mục tiêu trên bộ từ khoảng cách 400 km. Antara dẫn lời Tư lệnh quân đội Indonesia Moeldoko nhận định năng lực của hải quân sẽ được củng cố đáng kể một khi có được Kilo.
Tàu lớp Kilo cũng là lựa chọn của Myanmar khi nước này vừa khởi động thương thảo với giới chức Nga về việc mua 2 tàu ngầm loại này. Đồng thời, 20 sĩ quan Myanmar đã tham gia khóa huấn luyện cơ bản tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm PNS Bahadur ở Pakistan. Hai sự kiện trên cho thấy Naypyidaw quyết tâm kiến tạo một lực lượng tàu ngầm trước năm 2015.
Không thể đứng ngoài
Trong khi đó, theo trang tin Usni.org, Malaysia đã mua 2 tàu ngầm lớp Scorpène do hãng DCNS (Pháp) và hãng Navantia (Tây Ban Nha) hợp tác chế tạo. Hai tàu này mang tên RMN Tunku Abdul Rahman và RMN Tun Abdul Razak đã được đưa vào sử dụng trong khi lực lượng thủy thủ được huấn luyện trong nước trên tàu ngầm đã về hưu Quessant do Pháp cung cấp.
Bên cạnh đó, Singapore hồi cuối tháng 11.2013 đã ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type 218SG của Đức, kèm điều khoản đào tạo thủy thủ và chuyên viên kỹ thuật. Các tàu ngầm của Singapore sẽ được trang bị hệ thống động cơ đẩy không cần không khí (AIP) tối tân, và việc bàn giao dự kiến sẽ diễn ra trước năm 2020. Các tàu này sẽ cùng 2 tàu ngầm lớp Archer mới được tân trang hình thành hạm đội tàu ngầm của đảo quốc sư tử.
Về phần mình, hải quân Thái Lan dự định mua 3 tàu ngầm trong 10 năm tới. Nước này gần đây bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho một trung tâm và căn cứ huấn luyện tàu ngầm, cũng như đã cử người tham gia các khóa huấn luyện ở Đức và Hàn Quốc. Tại Philippines, tàu ngầm cũng đã được đưa vào danh sách ưu tiên mua sắm của Bộ Quốc phòng nước này, theo The Diplomat.
Trùng Quang
>> Chuyên gia Carl Thayer nhận định về tàu ngầm Việt Nam
>> Tàu ngầm Kilo của Việt Nam ‘lợi hại’ hơn Trung Quốc
>> Những tấm ảnh đầu tiên về tàu ngầm Hà Nội tại vịnh Cam Ranh
>> Việt Nam đã có tàu ngầm từ lâu?
>> Tàu ngầm Việt Nam sẽ làm 'thay đổi cán cân quân sự tại biển Đông
Bình luận (0)