Cuộc chiến thuế quan khốc liệt
Vào tháng 5, Mỹ áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia đang trong tốp dẫn đầu thế giới về sản xuất và bán xe điện. Nhà Trắng cho biết các biện pháp mới này ảnh hưởng đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu hiện tại của Trung Quốc trên nhiều ngành nghề như thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và cần cẩu, theo Reuters.
Tiếp nối Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu Trung Quốc từ tháng 7, sau cuộc điều tra chống trợ cấp, động thái có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc hợp tác với EU sẽ phải chịu mức thuế 21%, trong khi những nhà sản xuất không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế 38,1%. Nhìn chung, thuế quan của EU tuy cao nhưng vẫn thấp hơn mức 100% mà Mỹ áp đặt từ tháng trước đối với ô tô điện của Trung Quốc.
Phản ứng lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh cuộc điều tra của EU là "một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ". Việc áp thuế quan sẽ gây thiệt hại cho mối quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc - EU và sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng ô tô toàn cầu. Ông cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trung Quốc muốn EU hủy quyết định áp thuế xe điện
Trung Quốc hồi tháng 6 mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU, đồng thời cho biết nước này "có quyền" đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế mới theo kế hoạch của EU. Vào tháng 5, nước này cũng đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu một loại hóa chất kỹ thuật quan trọng từ EU, Mỹ và Nhật Bản, theo AFP
Đông Nam Á triển vọng thu đầu tư lớn
Trước những cơ hội ngày càng thu hẹp tại các thị trường Mỹ và châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang để mắt đến triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở khu vực Đông Nam Á - nơi tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và dễ dàng đón nhận sự chuyển dịch sang xe điện.
Trả lời tờ This Week in Asia, ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis (Hồng Kông) đánh giá lập trường địa chính trị tương đối trung lập của Đông Nam Á mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Indonesia và Thái Lan sẽ là mục tiêu hàng đầu của các thương hiệu xe điện Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint Research (Hồng Kông), doanh số bán xe điện trong khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi trong quý 1/2024, so với mức giảm 7% của ô tô chạy bằng động cơ diesel và xăng. Trong đó, hơn 70% doanh số bán xe điện trong khu vực đến từ các thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là BYD.
BYD thu hẹp khoảng cách với Tesla
Trên thực tế, các hãng xe lớn Trung Quốc như BYD, Xpeng và Geely đang rót hàng tỉ USD vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia, nhằm chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường xe bền vững đang phát triển nhanh chóng.
Cụ thể, BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỉ USD ở tỉnh Tây Java (Indonesia), dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Hãng xe Neta (Trung Quốc) cũng ký hỏa thuận với công ty lắp ráp ô tô địa phương Handal Indonesia Motor để sản xuất các mẫu xe điện cho thị trường địa phương. Tất cả các chuỗi động thái trên của các hãng xe điện Trung Quốc là phù hợp với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện và pin điện bằng cách tận dụng trữ lượng niken đáng kể của Indonesia.
Tại Malaysia, Geely - một trong những nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ đang đầu tư hơn 10 tỉ USD để phát triển các cơ sở sản xuất với chi nhánh địa phương Proton ở thị trấn Tanjung Malim (Malaysia).
Rào cản xâm nhập thị trường
Một số nhà phân tích cho rằng triển vọng của thị trường Đông Nam Á có thể không tươi sáng như các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc dự đoán, theo South China Monring Post.
Sự quan tâm lớn của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vào Đông Nam Á có thể sẽ dẫn đến "cuộc chiến giá cả" không khoan nhượng giữa các bên, theo ông Jiayu Li tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel (Singapore). Ông Li trích dẫn sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất xe máy Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á vào đầu những năm 2000. Kết quả là các thương hiệu Nhật Bản đã duy trì hơn 90% sự thống trị thị trường khu vực.
Một rào cản khác là các ưu đãi của chính phủ có thể không đủ để lôi kéo người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện. Bên cạnh đó, một báo cáo gần đây của công ty kiểm toán Deloitte (Anh) cho thấy quyết định mua hàng của họ cũng có thể bị cản trở bởi những lo ngại về hạn chế phạm vi hoạt động của xe điện. Lãi suất cao và giá bán lẻ tăng cao có thể khiến người tiêu dùng giảm bớt sự quan tâm đến xe điện ở một số thị trường.
Bình luận (0)