Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang cạnh tranh để thu hút các dự án phim, với hy vọng rằng ngành du lịch sẽ được hưởng lợi nếu một bộ phim thành công. Ngoài việc thu hút người hâm mộ đến địa điểm quay phim, bộ phim còn có thể giới thiệu tới công chúng những địa điểm mà trước đây thế giới chưa chú ý.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam đang xem xét các biện pháp để thu hút các dự án làm phim. Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch - cho biết các nước trên thế giới đã chứng minh rằng phim ảnh có thể là một cách hiệu quả để quảng bá các điểm đến du lịch.
Trong "Kong: Đảo đầu lâu" năm 2017, thắng cảnh Tràng An đã được sử dụng làm địa điểm quay phim do phong cảnh độc đáo, hầu như chưa được biết đến ở các quốc gia khác vào thời điểm đó. Thành công của bộ phim đã đưa cảnh đẹp của Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Vào tháng 10, Philippines quyết định tăng trợ cấp cho sản xuất phim từ 20% lên 25% chi phí, cao nhất là 540.000 USD, tức hơn 13 tỉ đồng. Các tác phẩm hoạt hình và sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng được trợ cấp, bên cạnh phim truyện và phim tài liệu.
Bắt đầu từ tháng 3, Thái Lan đã tăng gấp đôi giới hạn hoàn thuế tối đa 20% đối với chi phí quay phim, từ 75 triệu baht lên 150 triệu baht. Nước này cũng miễn thuế thu nhập cho các tài năng diễn xuất nước ngoài tham gia đóng phim trong 5 năm bắt đầu từ tháng 8.
Tới tháng 10, Thái Lan thành lập Trung tâm Điều phối Làm phim Bangkok, chịu trách nhiệm hỗ trợ về địa điểm quay phim và xem xét các thủ tục. Trung tâm sẽ có thể cấp phép quay phim trong thời gian ít nhất là ba ngày.
Chính phủ Thái Lan cho biết có 700 đến 800 tác phẩm hàng năm được quay ở nước này từ năm 2015 đến 2019. Hơn 200 tác phẩm được quay trong nửa đầu năm 2023, tạo ra doanh thu khoảng 1,8 tỉ baht, tức hơn 1,2 nghìn tỉ đồng.
Thái Lan muốn biến việc sáng tạo nội dung thành một phần trong chiến lược quốc gia, xét từ thực tế các dự án phim mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân, giúp tăng thu nhập và tạo ra việc làm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch chiếm 12% GDP của các nước ASEAN. Du lịch chiếm khoảng 10% việc làm ở ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ. Đòn bẩy từ phục hồi du lịch sẽ ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong khu vực.
Bình luận (0)